Dầu Tường An muốn phát hành gần 19 triệu cổ phiếu để thu về hơn 700 tỷ đồng
Tại đại hội cổ đông bất thường năm 2021 vào ngày 26/2 tới đây, các cổ đông sẽ xem xét thông qua phương án Dầu Tường An phát hành gần 19 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về 703 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2021 vào ngày 26/2 tới. Đại hội bất thường của Dầu Tường An dự kiến thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động (ESOP).
Dầu Tường An dự kiến sẽ trình kế hoạch phát hành 16,9 triệu cổ phiếu, tương đương 50% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá chào bán dự kiến là 40.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá hiện tại 45.600 đồng.
Theo đó, mỗi cổ đông hiện hữu sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được mua 5 quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Cổ đông có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm cho người khác với giá thỏa thuận giữa hai bên.
Song song đó, Dầu Tường An cũng phát hành 1,7 triệu cổ phiếu cho người lao động đáp ứng các điều kiện theo phê duyệt của HĐQT. Giá phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên công ty là 15.000 đồng.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là 678 tỷ còn phát hành cho nhân viên là 25 tỷ đồng là tổng cộng 703 tỷ. Doanh nghiệp dự định sử dụng số tiền này để cân đối đầu tư mở rộng công suất và máy móc thiết bị cho 2 nhà máy ở Vinh và Phú Mỹ của Tường An, cũng như bổ sung vốn lưu động.
Ngoài thông qua phương án phát hành cổ phiếu, đại hội bất thường của Dầu Tường An cũng sẽ bầu bổ sung một thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2017-2022 thay thế bà Nguyễn Thị Hạnh. Bà Hạnh trước đó là chủ tịch công ty nhưng đã có đơn từ nhiệm vào tháng 8/2020.
Năm 2020, Dầu Tường An đạt doanh thu 5.247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 177 tỷ. Đây là kết quả kinh doanh cao kỷ lục trong lịch sử công ty dầu ăn này.
Lợi nhuận sau thuế của Dầu Tường An tăng 30% lên 177 tỷ, cao hơn mức tăng doanh thu. Con số này đồng thời vượt kế hoạch kinh doanh năm 2020 và đạt mức kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.
Dầu Tường An là một trong những công ty niêm yết đầu tiên công bố kết quả tài chính năm 2020.
Dầu Tường An hiện là công ty con của Kido với 61,9% cổ phần thuộc sở hữu trực tiếp của tập đoàn này. Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) là cổ đông lớn còn lại, nắm giữ 26,6% vốn điều lệ. Kido đồng thời cũng chính là công ty mẹ của Vocarimex với tỷ lệ sở hữu 51%. Như vậy, Kido nắm giữ trực tiếp và gián tiếp tổng cộng tới 75,5% cổ phần tại Dầu Tường An.
Năm 2020, Kido có kế hoạch chuyển các công ty con bao gồm Kido Foods và Dầu Tường An từ mô hình doanh nghiệp cổ phần sang TNHH MTV để sáp nhập vào tập đoàn mẹ. Hiện Kido đã sáp nhập xong Kido Foods nhưng chưa có phương án chi tiết về kế hoạch với Dầu Tường An.
Lý do chính khiến Dầu Tường An chưa thể sáp nhập vào công ty mẹ là cổ đông Vocarimex có 36% vốn Nhà nước. Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện thủ tục đấu giá lô cổ phần này. Kido đã nộp hồ sơ tham gia mua lại toàn bộ lô cổ phần trên nhưng buổi đấu giá bị hoãn do thủ tục pháp lý thay đổi.
Nếu mua lại toàn bộ lô cổ phiếu của SCIC, Kido sẽ sở hữu 87% cổ phần Vocarimex và tăng tỷ lệ lợi ích tại Dầu Tường An lên 85%. Lúc đó, Kido có thể dễ dàng sáp nhập cả 2 công ty dầu ăn này vào tập đoàn.
Hà Ly