Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công quốc gia

17:03 | 24/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Dù mới đi được hơn nửa chặng đường, Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn của cả nước. Đặc biệt, hiệu quả chương trình đã lan tỏa rộng khắp, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân tham gia.

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2014-2018.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình (KCQG) giai đoạn 2014 - 2018; từ đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chương trình; đồng thời đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung cần thực hiện đối với chương trình KCQG giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua 5 năm triển khai, chương trình KCQG đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn của cả nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... Điều này góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công quốc gia - ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội nghị.
Chia sẻ về kết quả thực hiện chương trình KCQG  từ 2014-2018, theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), tổng kế hoạch kinh phí KCQG 5 năm vừa qua (2014-2018) là 481,407 tỷ đồng. Thông qua đó, chương trình đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn. Hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%).
Trong 5 năm qua, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 630 cơ sở chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, chương trình KCQG đã tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Thông qua đó, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó đã hỗ trợ 48 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước.
Đáng chú ý, khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công quốc gia - ảnh 2
 Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Nguyễn Mạnh Tường cho biết, trong 5 năm qua Hà Tĩnh, tỉnh được đánh giá thực hiện hiệu quả chương trình khuyến công quốc gia, đã làm tốt công tác khuyến công và  kinh phí khuyến công ở Hà Tĩnh đang có sức hút lớn đối với các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Nhờ đó đã hỗ trợ các DN phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sạch hơn và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến công tập trung vào hỗ trợ các mô hình sản xuất tiên tiến để nhân rộng, đồng thời hỗ trợ DN thêm máy móc sản xuất những sản phẩm có chất lượng. Ngoài ra còn hỗ trợ DN cải thiện môi trường làm việc và sản xuất sạch hơn góp phần giảm thiểu các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Tường, trong quá trình thực hiện các DN vẫn chưa mạnh dạn đầu tư máy móc mới. Thậm chí nhiều DN còn đầu tư máy móc cũ nên không thực hiện được các chương trình khuyến công. Mặt khác, phần lớn DNNVV ở Hà Tĩnh có năng lực tài chính yếu nên việc thực hiện các dự án đầu tư, quy mô số lượng dự án và số DN thụ hưởng ngân sách nhà nước vẫn còn hạn chế.
Đánh giá về hiệu quả chương trình KCQG đem lại cho DN, đại diện thương hiệu giấm Kim Ngân, bà Lê Hương cho biết: Trong quá trình DN xây dựng và phát triển thương hiệu gặp rất nhiều khó khăn về bao bì và nhãn mác để đạt tiêu chuẩn trong hội nhập quốc tế. Nắm bắt được những khó khăn đó, trung tâm khuyến công đã tăng cường hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm cũng như tham dự các hội chợ giới thiệu sản phẩm.  Nhờ đó, từ năm 2013 tới nay giấm Kim Ngân đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn như Aone Mall, Vinmart, chuỗi siêu thị thực phẩm sạch như: bác Tôm, Sói biển. Chương trình khuyến công đã giúp DN tiếp cận tốt hơn đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, để DN có thể vươn xa hơn nữa, chương trình khuyến công cần mở rộng hơn các kênh quảng bá cho DN.
Không thể phủ nhận chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên đại diện các địa phương cho rằng, trong giai đoạn mới, chương trình KCQG cần tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.