Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử
Phiên thảo luận có sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước, trong đó có ông Toby Edwards (Chủ tịch công ty Shipa Freight, các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất), ông Gerry Mattios (Phó Chủ tịch, Công ty Bain & Company), bà Bharathi Viswanathan (Giám đốc Thông tin, Tập đoàn CocaCola), ông Santitarn Sathirathai (Tư vấn Kinh tế trưởng, Tập đoàn SEA, Singapore).
Phiên thảo luận tập trung vào 4 chủ đề chính: Sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử; Hạ tầng số, Dịch vụ tài chính di động, Dữ liệu xuyên biên giới.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... Do những thay đổi mang tính cách mạng khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp. Công nghệ số ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế-xã hội trên nhiều mặt, lĩnh vực.
Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Thương mại điện tử tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Năm 2014, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam ước tính đạt 2,97 tỷ USD, chiếm khoảng 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 29% mỗi năm, đến năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống; an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.
Để phát triển Kinh tế số, Bộ trưởng đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN, trong đó, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của thương mại điện tử và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số…
Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm về một số nội dung đáng chú ý như xu hướng số hóa trong khu vực, chiến lược hợp tác giữa các công ty đa quốc gia và các công ty trong nước trong tiến trình số hóa, tiềm năng và sự sẵn sàng đối mặt với cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics trong khu vực…