Để kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột của nền kinh tế
Phát biểu tại “Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã chia sẻ về thế mạnh của quốc gia trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và biến động, qua đó, Việt Nam cần nắm bắt những xu hướng lớn để xác định và tập trung nguồn lực xây dựng những ngành kinh tế mũi nhọn và đẩy mạnh phát triển hơn.
Theo đó, trong bối cảnh Hong Kong đang bất ổn, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo theo làn sóng rời bỏ Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển, như xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính mới của khu vực, sản xuất công nghiệp trở thành công xưởng của thế giới (tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và hàm lượng tri thức cao).
Việt Nam đang tạo được thế mạnh và đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế trên lĩnh vực du lịch hay sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Về du lịch, Việt Nam đã và đang thu hút được ngày càng nhiều du khách và đạt mức tăng trưởng khá tốt hàng năm. Với đặc thù của mình, Việt Nam có thể xây dựng 2 chiến lược phát triển du lịch song song, vừa thu hút du khách phổ thông vừa thu hút khách du lịch cao cấp.
Hiện nay các hoạt động quảng bá du lịch gần như đang chỉ tập trung vào nhóm du khách phổ thông, Việt nam đang làm khá tốt và đang dần chuyên nghiệp hóa với việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch.
“Đối với nhóm khách du lịch cao cấp, đây là khu vực tiềm năng cần khai thác mạnh hơn nữa. Việt Nam có sẵn rất nhiều lợi thế để xây dựng thành công chiến lược này: nền văn hóa lâu đời với nhiều di sản đã được UNESCO công nhận, đường bờ biển dài hơn 3000 km với những bãi biển đẹp nhất Thế giới, hệ sinh thái đa dạng cùng khí hậu nhiệt đới rất phù hợp để phát triển du lịch”, bà Nga nói.
Về xuất khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng xuất khẩu là một trong những thế mạnh truyền thống của Việt Nam, đặc biệt đối với mặt hàng gạo và nông sản, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, là người đứng đầu của Tập đoàn BRG với công ty thành viên Hapro - đơn vị rất nỗ lực trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, bà Nga thừa nhận giá trị sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa cao do chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về hoạt động chế biến và xây dựng thương hiệu cho mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Mong Chính phủ bảo hộ những lĩnh vực trọng điểm
Theo bà Nga, hiện nay, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang chiếm khoảng 40% GDP. Tại các nước phát triển, tỉ lệ kinh tế tư nhân có thể chiếm tới 85% GDP và trở thành nền tảng, trụ cột đảm bảo cho kinh tế quốc gia phát triển ổn định, bền vững.
“Để đảm bảo cạnh tranh công bằng, Chính phủ cần ban hành những đường lối, chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế khác (như khối doanh nghiệp nhà nước, khối FDI) không nhận được những ưu đãi nhiều hơn so với khối kinh tế tư nhân. Thậm chí trong những bối cảnh nhất định, Chính phủ có thể có những biện pháp bảo hộ cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực được xác định xây dựng thành trọng điểm kinh tế, tạo ra những ngành kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh được với quốc tế, trở thành thế mạnh của quốc gia”, Chủ tịch Tập đoàn BRG khuyến nghị.
Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chủ trương, từng bước thử nghiệm cho phép tư nhân tham gia vào những lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn giữ độc quyền (như quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị hay truyền tải, điều độ hệ thống điện).
Doanh nghiệp tư nhân gồm tập đoàn kinh tế tư nhân (nội địa) hoặc liên doanh giữa các tập đoàn này với các tập đoàn uy tín quốc tế có kinh nghiệm, thế mạnh và nguồn lực dồi dào, có thể áp dụng các mô hình quản lý, công nghệ hiện đại với cơ chế vận hành linh hoạt để vận hành dự án quy mô lớn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Việc triển khai này có thể mang lại lợi ích cho Chính phủ trong việc giảm nợ công, tập trung kiến tạo và tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút FDI, và tận dụng nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần có sự nâng tầm ghi nhận và phát triển thương hiệu cho các tập đoàn kinh tế tư nhân, thông qua ưu đãi đầu tư cho các tập đoàn tư nhân có nhiều đóng góp cho NSNN và góp nhiều công sức để phát triển kinh tế - xã hội.
Để kinh tế tư nhân thực sự là một trong những trụ cột của nền kinh tế, bà Nga cũng đưa ra khuyến nghị về việc Chính phủ xây dựng cơ chế thử nghiệm khung pháp lý (regulatory sandbox) cho những mô hình kinh doanh mới, phi truyền thống, điển hình là mô hình mới trong kinh doanh bất động sản như condotel, officetel, shophouse, shoptel, timesharing..
Đồng thời, trong thời đại 4.0, Chính phủ có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào các quy trình hành chính nhằm hướng tới đơn giản hóa và tự động hóa các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả kinh doanh và giúp minh bạch hóa, trong sạch hóa nền hành chính công.