Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai CPTPP trên thực tế

22:33 | 06/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cho rằng Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình triển khai CPTPP trên thực tế.

Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai CPTPP trên thực tế - ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp đoàn Chủ tịch Hội cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản do Ngài Saito Toshitsugu làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam.
Chiều 6/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tiếp Đoàn Chủ tịch Hội cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, do ông Saito Toshitsugu làm trưởng đoàn, nhân dịp Đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Quốc hội Việt Nam ủng hộ, đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất, trong đó giao lưu và tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước ngày càng được tăng cường.

Cho rằng Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn hai bên không ngừng mở rộng phát triển quan hệ, hợp tác hiệu quả, thực chất trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong đợi của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thông tin về việc Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12/11/2018; đồng thời đề nghị phía Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình triển khai CPTPP trên thực tế.

Về dự án Đại học Việt-Nhật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới dự án này, mong muốn xây dựng Đại học Việt-Nhật trở thành biểu tượng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản cho thế hệ mai sau.

Quốc hội Việt Nam sẽ thúc đẩy các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Chính phủ và các địa phương sớm triển khai, thực hiện dự án.

Đánh giá cao quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt-Nhật trong thời gian qua, đồng thời khẳng định những triển vọng hết sức tích cực của quan hệ kinh tế giữa hai nước trong tương lai, ngày 01/11 vừa qua, Tạp chí điện tử E! Kansai của Cục Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp Kansai, một trong những kênh thông tin quan trọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng tải bài viết với nội dung nhấn mạnh: Hoạt động đầu tư, thương mại Việt-Nhật là hoạt động mang tính tương hỗ, bổ sung cho nhau, góp phần tối ưu hóa lợi ích cạnh tranh của mỗi bên. Tính bổ sung, tương trợ được thể hiện rõ trong cơ cấu các nhóm hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải (chiếm tỉ trọng đến 50%), trong khi mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam là nhóm hàng may mặc, sản phẩm gỗ, (chiếm tỉ trọng 38%).

Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai CPTPP trên thực tế - ảnh 2
Doanh nghiệp hai nước Việt, Nhật tổ chức tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội hợp tác. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+) 
Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố thương hiệu đối với những mặt hàng đã khẳng định được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản như hàng may mặc, giầy dép, thủy sản, rau quả, đồ gỗ, càphê, dây cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện..., Việt Nam đang tiếp tục cải thiện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các điều kiện, tiêu chuẩn đề ra về chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, trước mắt tập trung các mặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản, công nghiệp (gia công phần mềm), gia công cơ khí...

Trong lĩnh vực đầu tư, việc tăng cường hợp tác đang mang lại những lợi ích cho cả hai bên. Đối với Việt Nam, đầu tư từ Nhật Bản giúp Việt Nam tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, trình độ quản lý, sớm tiếp cận, nắm bắt những công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực của Nhật Bản, góp phần hiệu quả vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Đối với Nhật Bản, thông qua hoạt động kinh tế, giao thương với Việt Nam, Nhật Bản sẽ đa dạng hóa thêm các kênh tiếp cận, tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động kinh tế tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thị trường đầy tiềm năng với quy mô 650 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.500 tỷ USD.

Thời gian tới, với sự quan tâm của chính phủ hai nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan của Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác thương mại song phương sẽ tiếp tục được duy trì bền vững. Việc hai nền kinh tế tăng cường liên kết sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á” mà lãnh đạo hai nước đã khẳng định trong các chuyến thăm cấp cao, cũng như được thể hiện trong các chương trình, hoạt động cụ thể giữa các địa phương, các ban ngành, các hiệp hội, tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp hai nước.