Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu
Đã đến lúc thay đổi trong quản lý xăng dầu
Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc kinh doanh xăng dầu, điều hành giá xăng dầu đang thực hiện theo các nghị định của Chính phủ như Nghị định số 83/2014/ NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là điều hành giá, nhìn chung đã bám sát quy định của các văn bản pháp luật cũng như theo giá thế giới.
Theo ông Bình, có nhiều yếu tố tác động đến giá xăng dầu trong nước, trong đó nguyên nhân chính là do giá xăng dầu thế giới thay đổi. Cụ thể, giá xăng dầu thế giới chiếm 65 - 77% trong cấu thành giá xăng dầu; thuế chiếm 12 - 29%; chi phí định mức kinh doanh từ 7,5 - 11%.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều hành và bình ổn giá xăng dầu thông qua 3 công cụ (giá cơ sở, thuế, quỹ bình ổn giá) và mang lại kết quả tích cực. Trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới, thị trường trong nước đã có những chính sách kiểm soát biến động giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá vẫn phải theo giá thế giới; điều hành giá vẫn mang tính mệnh lệnh hành chính, dùng công cụ áp đặt quá mức, khiến doanh nghiệp không còn lợi ích nên tìm cách né tránh.
Đối với công cụ thuế hay quỹ bình ổn giá, thực chất đang dùng nguồn lực ngân sách để tạo ra bình ổn giá, chưa sử dụng các công cụ thị trường. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, nút thắt cơ bản nhất trong tất cả các nghị định về xăng dầu hiện nay là cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, nhất là vấn đề giá. Cơ quan quản lý Nhà nước trong 7 ngày phải xác định giá, như vậy là làm thay doanh nghiệp, trong khi thị trường chưa thể thoát ly khỏi giá xăng dầu quốc tế. Giá xăng dầu cũng không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật cung cầu thuần túy, mà phụ thuộc nhiều vào địa chính trị thế giới.
Tính giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, để thị trường quyết định giá xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cố gắng, nỗ lực tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí các doanh nghiệp có thể mua lúc giá rẻ và bán ra lúc giá cao. Như vậy, sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực, khả năng kinh doanh tốt.
“Khi sử dụng công cụ thị trường, giá kinh doanh phải để các doanh nghiệp tự xác định để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp, nhưng phải có công cụ để điều tiết. Nếu doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay liên kết với nhau để bán với giá cao, khi đó phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Hiện nay có 2 công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, nếu có thể dùng công cụ đó để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn sẽ giúp khống chế lượng bán để tăng giá”, ông Cường phân tích.
Cùng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo nhận định, một trong những vấn đề mấu chốt trong Nghị định kinh doanh xăng dầu tới đây là trả lại nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thị trường. Đã đến lúc cần có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường trả về thị trường, để các doanh nghiệp quyết định, đảm bảo thị trường cạnh tranh minh bạch.
Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu hiện nay, trước hết phải sử dụng các công cụ thị trường, công cụ hành chính chỉ là biện pháp cuối cùng.
“Đối với công cụ thị trường về xăng dầu, chủ yếu là công cụ phái sinh thì ở Việt Nam, hệ thống quản lý, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức bất cập. Chúng ta hiểu chưa đúng về phái sinh, hạch toán về phái sinh cũng chưa rõ, tạo ra nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp. Dùng công cụ phái sinh để bình ổn xăng dầu thì phải có cách hiểu đúng về phái sinh. Phái sinh là công cụ lớn, phải bắt đầu từ công cụ này để hạch toán chính xác và đối xử công bằng với các doanh nghiệp áp dụng công cụ này mới khả thi”, ông Lương Hoài Nam đánh giá.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, nhất là Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/ NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó, nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu; đồng thời, sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý III/2024.