Đề xuất ưu tiên 2 tuyến của đường sắt cao tốc Bắc - Nam

11:32 | 06/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM là 2 tuyến được đề xuất ưu tiên hàng đầu trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030.

Tại dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mục tiêu đến năm 2030, vận tải hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,3%; vận tải hành khách 460 triệu khách, chiếm thị phần 1,08%.

Để đạt mục tiêu này, mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km. Trong đó có 7 tuyến chính hiện hữu với chiều dài 2.378,4 km và quy hoạch để chuẩn bị, thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt mới với chiều dài 2.368 km.

Trong số 9 tuyến mới được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh. Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỷ đồng.

Đề xuất ưu tiên 2 tuyến của đường sắt cao tốc Bắc - Nam - ảnh 1

Đề xuất ưu tiên 2 tuyến của đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh hoạ

 

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhìn nhận, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là dự án đầu tư có tính lan tỏa, tạo sự thúc đẩy cho phát triển nhiều ngành như cơ khí, phát triển công nghệ cao.

Theo ông Tiến, hiện nay nguồn lực còn hạn chế, nhưng phải tính đến tương lai khi đất nước phát triển để còn có căn cứ huy động nguồn lực. Còn khi đã đưa vào chương trình đầu tư công sẽ có nhiều cách thức huy động từ ngân sách, vay ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ...

Cùng quan điểm về sự cần thiết cần xây dựng đường sắt cao tốc, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đánh giá, trong 10 năm tới nếu được thì đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc là tốt nhất.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng nhìn nhận, đối với một dự án, quan trọng không phải giá trị vốn đầu tư bao nhiêu mà hiệu quả của dự án thế nào để quyết định đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư là lớn thì 100 tỷ USD vẫn phải làm. Đơn cử như khi Nhật Bản xây dựng tàu cao tốc Shinkansen họ vẫn phải vay để làm. Do đó, phải cơ bản lượng hóa được hiệu quả dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội để quyết định lựa chọn đầu tư.

Ngoài việc đề xuất ưu tiên xây dựng 2 đoạn của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 còn đề xuất thêm 8 tuyến đường sắt mới với 4 dự án kết nối cảng biển.

Trong dự thảo quy hoạch đang xây dựng, cũng đưa ra chỉ tiêu hạ tầng, đầu tư nâng cấp, từng bước đưa vào cấp kĩ thuật các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Xây dựng các tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế chính; triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có nhu cầu vận tải lớn.

Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt trong khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) góp ý vào dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tại văn bản này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị bổ sung vào quy hoạch đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng đường sắt, nhất là đánh giá về hiện trạng nhà ga, hệ thống kho ga, bãi hàng, đường kết nối đường bộ… đang gây khó khăn cho việc tăng cường kết nối và phát triển logistics.

Cũng liên quan đến vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2021-2030, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn này hơn 665 nghìn tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với số vốn thực hiện giai đoạn 2011-2020 là hơn 39,4 nghìn tỷ đồng.

Với nhu cầu đầu tư rất lớn như vậy, theo Ủy ban, cần làm rõ khả năng cân đối nguồn lực cho phù hợp với thực tế cũng như làm rõ các giải pháp huy động vốn.

Đăng Khôi