Đề xuất về nhập khẩu hàng hóa để in, đúc tiền
Danh mục hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước theo phương thức chỉ định thương nhân được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, gồm: Giấy in tiền (Giấy in tiền cotton, Giấy in tiền polymer); Mực in tiền; Máy ép foil chống giả; Foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý; Máy in tiền; Phôi kim loại sử dụng để đúc dập tiền kim loại; Máy đúc, dập tiền kim loại…
Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ định và cho phép cơ sở in, đúc tiền được nhập khẩu các mặt hàng quy định nêu trên.
Căn cứ văn bản chỉ định và cho phép cơ sở in, đúc tiền được nhập khẩu hàng hóa phục vụ việc in, đúc tiền quy định nêu trên và hợp đồng in, đúc tiền giữa cơ sở in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước, cơ sở in, đúc tiền thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ việc in, đúc tiền.
Căn cứ hợp đồng mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền hoặc các hình thức văn bản khác về việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền do cơ sở in, đúc tiền cung cấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ có văn bản xác nhận việc cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền gửi Cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Cục Phát hành và Kho quỹ có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi và quản lý việc sử dụng hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền theo phương thức chỉ định cơ sở in, đúc tiền theo đúng mục đích.
Cơ sở in, đúc tiền (thương nhân nhập khẩu) có trách nhiệm thực hiện nhập khẩu đúng số lượng, chất lượng và chủng loại hàng hoá và tuân thủ các quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hoá. Định kỳ hàng quý, cơ sở in, đúc tiền phải báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) về tình hình sử dụng hàng hóa đã nhập khẩu. Cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng hàng hoá đã nhập khẩu đúng mục đích.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.