Đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội: Liệu có bùng nổ cơn sốt nhà đất?

14:25 | 03/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sân bay thứ hai của Thủ đô mới chỉ dừng lại ở đề xuất tuy nhiên trong giới đầu tư đã râm ran về hiện tượng sốt đất Ứng Hòa (Hà Nội).
Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu cẩn trọng trong vấn đề đặt sân bay thứ hai của Thủ Đô sẽ gây ra rất nhiều hệ luy. Trước mắt, thị trường bất động sản khu vực này sắp tới có thể chứng khiến nhiều cơn sốt nóng, tăng giá đất bất thường cục bộ hoặc trên diện rộng là hoàn toàn có thể xẩy ra.
 

Giới đầu cơ, chờ cơ hội ăn theo

 
Trong khi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ có kiến nghị thành phố xem xét giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội thì nhiều "nhà đầu tư tài ba" đã bàn tính chuẩn bị cho những cuộc đua gom đất nhằm đón đầu sân bay.
 
Còn nhớ trước đây những đợt “nóng sốt” của thị trường nhà đất vùng ven đô Hà Nội thì Hòa Lạc luôn là khu vực được giới đầu tư quan tâm, bởi khu vực này được định hướng là đô thị vệ tinh có quy mô lớn nhất Thủ đô.
 
Đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội: Liệu có bùng nổ cơn sốt nhà đất? - ảnh 1
 
Cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, rồi sau đó quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, thị trường bất động sản “nóng sốt” khắp mọi nơi, giá nhà đất leo thang từng ngày. Vào thời điểm 2009-2011, những khu vực chỉ mới bắt đầu có thông tin trở thành đô thị vệ tinh như Hòa Lạc dù cơ sở hạ tầng còn yếu kém, vẫn chỉ là vùng quê hoang sơ thế nhưng giá nhà đất đã được đẩy cao gấp nhiều lần do hiệu ứng tâm lý đám đông, người người nhà nhà lao vào “cơn sốt” đất. Giá nhà đất Hòa Lạc khi đó tăng rất mạnh, gấp nhiều lần so với mặt bằng ban đầu. Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp, ô tô đỗ cửa đã tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2.
 
Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, “vỡ bong bóng” giá nhà đất ở khắp Hà Nội “xì hơi” vào giai đoạn 2011-2012, hầu hết các dự án tại khu đô thị vệ tinh đều bất động hoặc chậm triển khai. Trong đó, nhà đất Hòa Lạc cũng rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu suốt 10 năm qua.

Hay gần đây nhất là tháng 3/2020, có thông tin một tập đoàn bất động sản gửi văn bản tới UBND huyện Thạch Thất xin xây 2 khu đô thị. Theo tìm hiểu 1 trong 2 khu đô thị này nằm giáp Đại lộ Thăng Long, cách khu vực giãn dân xã Đồng Trúc không xa. Chỉ trong khoảng vài ngày, giá đất nơi đây đã tăng chóng mặt. Trong tuần trước, những lô đất tái định cư, đất giãn dân ở đây chỉ vào khoảng 6-8 triệu đồng mỗi m2 nhưng chả ai hỏi mua. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày giá đất có nơi lên đến 15 triệu đồng/m2.
 
Đến thời điểm này, chưa biết thực hư 2 siêu dự án bất động sản tại Thạch Thất có triển khai hay không thì rất nhiều nhà đầu tư đang nắm trong tay nhiều thửa đất với giá gấp cả chục lần thời điểm trước cơn sốt đang cảm thấy rất bất an.
 

Liệu có tạo thành cơn sốt?

 
Đề xuất xây sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nội khiến nhiều chuyên gia lo ngại thị trường sẽ tiếp tục có những cơn sốt như kiểu Long Thành hay Thạch Thất vừa qua. Khi thị trường không có động lực tăng giá thì chúng ta phải bằng cách này hay cách khác tạo ra nó là "châm ngôn" của nhiều nhà đầu cơ bất động sản đã kiếm bạc tỷ trong trong làn sóng đầu tư bất động sản Hòa Lạc vẫn chưa hết nóng hiện nay.
 
Tại Hà Nội, Ứng Hòa là một huyện nông nghiệp, nếu Sân bay Quốc tế được xây dựng ở đây, hạ tầng giao thông sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trước khi các thay đổi này diễn ra, những cơn sốt đất có thể bùng nổ làm thay đổi rất nhiều nền tảng đời sống người dân trong khu vực. Nhiều người sẽ kiếm được rất nhiều tiền và nhiều người cũng sẽ chôn vốn rất nhiều tiền vào đây khi chạy theo những cơn sốt đất ảo.
 
Đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội: Liệu có bùng nổ cơn sốt nhà đất? - ảnh 2
 
Trước nguy cơ về một cơn sốt thổi giá của giới đầu tư địa ốc tại khu vực Ứng Hòa và khu vực giáp ranh ăn theo dự án sân bay thứ 2 tại Hà Nội, nhiều nhà phân tích cho rằng việc giá đất vùng ven tăng theo sân bay là điều không mấy khả thi.
 
Như tại vùng ven sân bay Nội Bài, hiện người dân Sóc Sơn vẫn đang phải dựa vào sản xuất nông nghiêp bên tường rào nhà ga trong khi giá đất thổ cư sát các nhà ga vẫn chỉ có giá 2-4 triệu đồng/m2 suốt nhiều năm nay. Đừng nói đến các dịch vụ xung quanh, Nội Bài cách thành phố Phúc Yên với nhà máy Honda, Yamaha cách đó 10km, có thành phố Bắc Ninh với nhà máy Sam Sung cách đó 30km, có thủ đô Hà Nội cách đó 30km, nhưng hiện tại các khu vực đó giá đất và dịch vụ vẫn rất rẻ. Thực tế, sân bay chỉ là "điểm quá giang" và không ai xuống sân bay mà nghỉ ngơi, ăn chơi gì ở đó trong khi chỉ mất 30-45 phút là về đến đô thị trung tâm. Còn đối với Sân bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay, nằm ở trong nội thành, chính điều đó tạo nên sự khác biệt so với các sân bay khác, kể cả dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng.
 
Còn theo PGS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Ứng Hòa Hà Nội là vùng rất trũng, trong khi biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp. Ngoài dải đất sông Hồng, dải đất Hòa Lạc cao, còn lại toàn bộ diện tích đất gần sông Đáy, sông Nhuệ… như dòng sông cạn, lũ lên quét sạch, vô cùng nguy hiểm.Vì đó là vùng đất trũng, nếu quyết là sân bay sẽ dẫn đến việc đầu tư, san lấp mặt bằng để xây dựng rất lớn. Đầu tư công là tiền thuế của nhà nước, đất làm sân bay ít nhất phải 5.000 ha, mang lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. đây là vùng đất hoàn toàn là đất nông nghiệp, để nuôi sống bao nhiêu con người, vấn đề an ninh lương thực cần phải tính đến. Chưa kể, vùng đó cũng được vẽ thành vành đai xanh của Hà Nội. Và điều quan trọng nhất đó chính là " tạo nên cơn sốt đất ảo" khiến thị trường rồi loạn.
 
Tuy mới chỉ là đề xuất, tuy nhiên sân bay thứ hai của Thủ Đô cũng đang là một trong những vẫn đề "nóng". Không chỉ được các ban Bộ, Ngành, các chuyên gia, nhà đầu tư... Quan tâm theo dõi. Chính vì vậy, để tránh làm "rối loạn" thị trường cần có những chủ trương và nghiên cứu quy hoạch cụ thể.
 
Nguyễn Dung