Đến năm 2025, “phủ sóng” cấp điện cho 100% hộ dân

18:09 | 09/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV về câu hỏi đâu là giải pháp thực hiện mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng điện.
Theo thống kê đến nay đã có 100% số xã, 99,6% hộ dân được cấp điện lưới quốc gia, tuy nhiên đâu là giải pháp để cấp điện cho 0,04% số hộ dân chưa có điện còn lại. Đây là băn khoăn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương.
 
Đến năm 2025, “phủ sóng” cấp điện cho 100% hộ dân - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An)
 
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các con số trên cho thấy cả niềm vui và trách nhiệm còn lại.
 
Thực tế, việc cấp điện cho tất cả người dân là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của Chính phủ. Điều này đã được nêu lên trong chương trình 1740 ngày 13/12/2018, theo đó, giai đoạn 2016-2020 đảm bảo mục tiêu 100% hộ dân, nhất là các vùng khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng xa sẽ được cấp điện.
 
Theo nội dung chương trình đã được phê duyệt có 17 xã, 1.055/9.890 thôn bản được cấp điện lưới quốc gia hoặc từ điện năng lượng tái tạo (đối với những nơi khó khăn chưa có điều kiện cấp điện lưới); Cấp điện 2 huyện đảo, 3 xã đảo; cấp điện cho các trạm bơm ở miền Tây Nam Bộ.
 
Đến năm 2025, “phủ sóng” cấp điện cho 100% hộ dân - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội.
 
Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đã có dự trù trong kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, các nguồn lực quốc gia và nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài để triển khai thực hiện. Cụ thể, ngay trong giai đoạn đầu, từ năm 2016-2018, đã thực hiện cấp vốn là 4.743 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 2.200 tỷ đồng và vốn ODA không hoàn lại của Liên minh châu Âu cấp được hơn 2.000 tỷ đồng.
 
“Đúng ra thì chúng ta đã đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, chúng ta đạt được cấp điện cho 100% số xã nhưng có một số bản, thôn thì không đạt”, Bộ trưởng nói.
 
Lý giải về việc không đạt mục tiêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, vào thời điểm năm 2018, do trần nợ công của cả nước đang ở mức cao nên Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ để xin phép được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát tổng thể tất cả các chương trình vốn vay của quốc gia và thống nhất báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa thực hiện chương trình này để đảm bảo an toàn của trần nợ công quốc gia và tình trạng tài chính quốc gia.
 
“Đến nay, trần nợ công của chúng ta đã về ngưỡng an toàn. Bộ Công Thương đã chủ động làm việc và tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ, báo cáo với Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý báo cáo Quốc hội để tiếp tục đưa vào chương trình thực hiện giai đoạn 2021-2025 với 3 hợp phần chính: Vốn vay từ Ngân hàng Thế giới; vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á; vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu. Tổng 3 nguồn cộng lại cùng với nguồn vốn của Chính phủ bố trí sẽ đảm bảo được mục tiêu huy động được khoảng hơn 21.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng cho biết.
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Theo đúng kế hoạch, đến năm 2025, mục tiêu cấp điện cho tất cả các hộ ở các vùng miền núi, biên giới và hải đảo sẽ hoàn thành".
 
Nguyễn Triệu