Dệt may Việt: Có phải chỉ toàn khó khăn?

07:46 | 03/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Truyền thông gần đây đề cập nhiều về những khó khăn của ngành dệt may Việt – vốn luôn là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, có phải thực tế dệt may Việt đang chỉ toàn khó khăn, thách thức?

Rõ ràng, đối mặt với khó khăn, điều mà nhiều nhà quản lý trong lĩnh vực này dự báo từ 3-4 năm trước, đang là một thực tế của ngành dệt may Việt Nam. "Cơn bão" thời trang ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam rất nhanh. Thị trường cả trong và ngoài nước không chỉ bị thu hẹp mà còn có những đòi hỏi khắt khe hơn đối với sản phẩm dệt may nước nhà.

Dệt may Việt: Có phải chỉ toàn khó khăn? - ảnh 1
  Diễn đàn "Doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệptrong xây dựng nông thôn mới". Ảnh minh họa

Nhưng thực tế không phải chỉ toàn khó khăn dù đây là điều tất yếu trước tác động của toàn cầu hóa. Vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt đứng vững, mở rộng và phát triển.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2017, dệt may vẫn là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, với dự báo 31 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 10% so với năm 2016 và tới năm 2018, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở 2 con số.

Thị trường nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng tốt. Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục tạo cơ hội để doanh nghiệp dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài FTA với Mỹ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa đạt được những thoả thuận về “các yếu tố cốt lõi" và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của cả Ấn Độ sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam. Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020" của Bộ Công Thương sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam xúc tiến thương mại tốt hơn tại nước ngoài.

Thị trường trong nước, với 40% thị phần cho doanh nghiệp dệt may Việt vẫn được coi là "miếng bánh lớn" còn nhiều khoảng trống. Doanh nghiệp dệt may Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp thiên về mặt hàng thời trang, chắc chắn lạc quan với kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel chuyên nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, với nhận định mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt hiện đứng thứ 3, chỉ sau dành cho thực phẩm và tiết kiệm. Người Việt sính "hàng hiệu" nhưng đó không phải là số đông trong khoảng 25% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi 20-30. Rất nhiều doanh nghiệp dệt may Việt đã chinh phục được thị trường khó tính như Mỹ, EU thì cũng không khó để hấp dẫn "thượng đế" Việt. Không phải tự nhiên, Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) lần đầu tiên trong năm 2017, đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức "Cotton Day". Cũng không phải tự nhiên, lần đầu tiên, Việt Nam trở thành “focus country” của Hội chợ Magic Show 2017 tại Las Vegas, Hoa Kỳ, với rất nhiều hoạt động liên quan để quảng bá ngành dệt may Việt Nam.  

Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh "thượng đế" Việt chen lấn, xếp hàng dài trước chuỗi cửa hàng thời trang danh tiếng nước ngoài thời gian gần đây để nhận định về sự "tụt dốc không phanh"của ngành dệt may Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thời trang Việt nói riêng, e rằng có phần phiến diện.

Những người yêu thời trang vẫn lựa chọn thương hiệu GenViet, với sự hài lòng về chất lượng, kiểu dáng và giá cả. Bà chủ GenViet Trịnh Thanh Hải thừa nhận "cơn bão" thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam đang đặt ra một bài toán khó nhưng GenViet "hãy sống như chỉ có ngày mai”, quyết tâm học hỏi làm mới và tìm ra thế mạnh của riêng mình.

Dệt may Việt: Có phải chỉ toàn khó khăn? - ảnh 2
GenViet đã đánh trúng thị trường và đang từng bước chuyên nghiệp hóa. Ảnh minh họa

GenViet tiếp tục mua thêm nhà máy tại Thái Bình để hướng tới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở rộng thị trường châu Âu và Mỹ. Đại diện của thương hiệu Elise đã đánh giá rất cao việc GenViet đón đầu được cơ hội để làm thương hiệu cho người Việt: "GenViet đã đánh trúng thị trường và đang từng bước chuyên nghiệp hóa để cạnh tranh những thương hiệu lớn ở nước ngoài".

Câu chuyện về ông chủ chuỗi "Trung tâm dệt may thời trang xuất khẩu M2" Nguyễn Hải Đường, người đã kinh kha 24 năm trên lĩnh vực kinh doanh hàng dệt may cũng đang truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp dệt may Việt. Theo ông Đường: "Bản chất của doanh nghiệp cũng giống như một ban nhạc rock, luôn có một lượng fan hùng hậu - chính là khách hàng và phải thuyết phục học bằng cách xây dựng lòng tin". M2 tiếp tục gia tăng niềm tin khách hàng bằng cách: Luôn đặt yếu tố phong phú và chất lượng lên hàng đầu, tìm nguồn cung cấp dồi dào (hơn 200 nhà cung cấp nội địa đã qua chọn lọc kỹ) để có giá bán rẻ.  

Dệt may Việt: Có phải chỉ toàn khó khăn? - ảnh 3


M2 đang hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp dệt may trong nước. Ảnh minh họa

Rõ ràng, khách hàng đồng hành cùng M2, không chỉ vì người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, mà còn là người Việt yêu chất lượng và giá cả hàng Việt và người Việt đang tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp Việt tập trung cho phát triển thị trường nội địa, thay vì chỉ gia công cho nước ngoài.

 Duy trì đam mê, kiên định con đường, chuẩn bị kỹ cho bước nhảy, quyết đoán tạo cơ hội, lắng nghe khách hàng và đặt chất lượng lên hàng đầu,  đó chính là bài học mà GenViet và M2  mang lại cho các doanh nghiệp trước cơ hội và thách thức của ngành dệt may hiện nay.