ĐHĐCĐ BIDV: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 14%, phát hành thêm 1,3 tỷ cổ phiếu
Tham dự Đại hội có 142 đại biểu, đại diện cho hơn 5.485.737.801 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm hơn 96 % số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành đại hội.
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo ngân hàng cho biết tính đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và ĐHĐCĐ giao. Trong đó, tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022, tiếp tục là ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng, trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm, chiếm 14% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 2,19 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 16,66% so với năm 2022, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, cao hơn mức thực hiện năm 2022 (tăng 12,65%), chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và đứng đầu về thị phần cho vay tổ chức kinh tế và dân cư trong khối ngân hàng TMCP. Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,12%,
Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại năm 2023 đạt trên 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Lãnh đạo Ngân hàng cũng đã có có báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh quý 1/2024: Tổng tài sản BIDV đạt trên 2.28 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng hơn 1.76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%, huy động vốn đạt trên 1.9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1.4% theo định hướng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 7 ngàn tỷ đồng, tăng 6.7% so với cùng kỳ.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2024, HĐQT BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1.36 tỷ cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng thông qua hai phương án.
Thứ nhất là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với số lượng gần 1.2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương ứng tỷ lệ 21%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 21 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 – 2025 và sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết định thời gian cụ thể.
Thứ hai là chào bán gần 164.9 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ 2.89%, cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của BIDV. Số lượng nhà đầu tư được chào bán là dưới 100, đồng thời đảm bảo giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Giá chào bán sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường, được cơ quan nhà nước phê duyệt. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế giao dịch trong 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2024-2025.
Nếu hoàn thành 100% hai phương án trên, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng gần 13,620 tỷ đồng.
Thảo luận:
Xin ban lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh quý I/2024 và kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ?
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Quý 1 tình hình kinh tế Việt Nam có tiến bộ nhưng chậm. BIDV tính đến 31/03 dư nợ tín dụng đạt 1,76 triệu tỷ đồng, tăng 1,09% so với đầu năm, đến nay đã tăng 1,2%. Tương đương mức bình quân của ngành.
Về huy động vốn, chúng tôi cũng tăng 0,8%. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.056 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu theo thông tư 11 ở mức 1,33%.
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV: Về việc cập nhật tiến độ phát hành cho BIDV, tại ĐHCĐ năm 2023, chúng ta đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ khoảng 9% cho nhà đầu tư. Năm 2024, BIDV dự kiến phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023. Đã có một số nhà đầu tư quan tâm và đang làm việc với nhà đầu tư.
Phần còn lại, năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực làm việc với nhà đầu tư tiềm năng, đạt được kết quả sẽ báo cáo với cơ quan nhà nước trước khi xin ý kiến cổ đông.
Tùy theo mức độ thuận lợi thị trường, nếu thị trường đánh giá năng lực, triển vọng của BIDV tốt có thể nhà đầu tư sẽ triển khai ngay phần 2.89%, còn nếu tốt hơn nữa từ nay cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục phát hành phần còn lại.
Hy vọng rằng thị trường hiện nay với tăng trưởng tín dụng, bất động sản ấm lên sẽ giúp kết quả kinh doanh BIDV khởi sắc hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành riêng lẻ.
Gần đây xảy ra tình trạng một số người gửi tiền mất tiền trong tài khoản ngân hàng gây khủng hoảng truyền thông, trong trường hợp xảy ra tại BIDV, phía Ngân hàng sẽ xử lý ra sao?
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV: Trong thời gian vừa qua, rất nhiều khách hàng không chỉ BIDV mà các tổ chức tín dụng khác có tình trạng khách hàng click vào các đường link lạ, cuộc gọi lừa đảo dẫn đến thông tin tài khoản cá nhân bị chiếm đoạt. Bản thân BIDV có rất nhiều biện pháp cảnh báo đến khách hàng.
Trên app Smartbanking của BIDV cũng có khuyến cáo đến khách hàng không click vào những đường link lạ và không làm theo chỉ dẫn của các cuộc gọi lạ dẫn đến làm lộ thông tin và mất tiền trong tài khoản.
BIDV luôn coi trọng công tác bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn quản lý tài sản của khách hàng. Chúng tôi đã hết sức đầu tư cho con người, công nghệ, các công cụ để bảo mật thông tin của khách hàng.
Nếu có những trường hợp mất tiền do nguyên nhân từ cán bộ Ngân hàng thì chúng tôi sẽ điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Còn khi có trường hợp khách hàng mất tiền, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Chiến lược cạnh tranh giữa BIDV và các ngân hàng khác?
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Sau khi nghiên cứu thị trường, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn 2030, với 7 chiến lược cấu phần phát triển từ bán buôn, bán lẻ, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, thương hiệu và kế hoạch kiểm soát hoạt động.
Tất cả chiến lược này tổng thể nhằm nâng cao khả năng cạnh của BIDV cho đến giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đúng lộ trình, mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Gần đây, NHNN có yêu cầu các ngân hàng xây dựng phương án tái cơ cấu. Chúng tôi đã được NHNN cho ý kiến và ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1 cũng đã thông qua. Do đó, chúng tôi đang thực hiện những biện pháp giải pháp để đạt mục tiêu. Chiến lược cạnh tranh của BIDV dựa trên những nghiên cứu thực tiễn và hoạt động kinh doanh của BIDV.
BIDV cần phải tăng khả năng cạnh tranh ở phân khúc khách hàng nào?
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Tôi cho rằng đối với các ngân hàng gần như ngân hàng nào cũng cạnh tranh ở tất cả các phân khúc: Khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài, SMEs, khách hàng cá nhân. Không có ngân hàng nào chỉ làm khách hàng cá nhân trừ các công ty tài chính.
BIDV cũng như vậy, chúng tôi cũng không theo bất kỳ một phân khúc khách hàng nào mà phải đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đối với chúng tôi, cách đây 10 năm BIDV thiên về các doanh nghiệp nhưng đến gần đây chúng tôi đã cơ cấu lại ngân hàng. Đến nay, cơ cấu đã hợp lý, trong đó khách hàng lớn chiếm tổng dư nợ tín dụng khoảng 33%, doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 23%, khách hàng cá nhân khoảng hơn 43%. Cấu trúc này phù hợp với các ngân hàng thương mại và phù hợp với cấu trúc nền kinh tế.
Tuy nhiên, với từng phân khúc chúng tôi cũng có chiến lược cạnh tranh riêng, từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm và từng phân khúc khách hàng. BIDV có chiến lược phát triển nhóm khách hàng lớn và có những chính sách để đảm bảo phát triển mối quan hệ đó như đồng tài trợ, quản lý dòng tiền.
Khách hàng SMEs cũng đóng góp rất lớn vào nền kinh tế cả về dòng tiền, lao động. Chúng tôi cũng có những chính sách tư vấn, hỗ trợ khách hàng về đào tạo, quản trị…
Còn đối với khách hàng cá nhân, hiện dư nợ cho vay nhóm này khoảng 43%, huy động vốn khoảng 55% đây là một khối cách hàng cực kỳ quan trọng. Trong 10 năm trở lại đây, phân khúc này phát triển vượt bậc.
Ở phân khúc bán lẻ, BIDV cũng có nhiều chương trình mới như việc hợp tác với đối tác nước ngoài từ châu Âu, Singapore trong quản lý tài chính cá nhân cho khách hàng giàu có.
Nhìn chung, cấu trúc khách hàng của BIDV cả về khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, FDI, SMEs hiện tương đối ổn định.
Liên quan đến chiến lược phát triển tín dụng xanh, doanh số giải ngân của BIDV cho các lĩnh vực và nợ xấu là bao nhiêu?
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Từ khi BIDV đã thực hiện chiến lược phát triển xanh từ khi chúng tôi ra chiến lược phát triển ngân hàng vào năm 2005. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên ký hợp tác để triển khai tích cực các chiến lược giảm khí thải carbon, theo cam kết COP 26 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, dư nợ của BIDV đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo khoảng 70.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của BIDV. Chúng tôi cũng xây dựng chiến lược phát triển xanh của BIDV bằng việc sử dụng năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn theo chỉ đạo của Chính phủ và đang xây dựng chiến lược phát triển bền vững với mục tiêu giảm phát thải carbon.
Đối với các hoạt động về môi trường, chúng tôi thường xuyên tham gia các hoạt động giải chạy, trồng cây xanh, nhà chống lũ, chương trình nước ngọt cho cuộc sống xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân ở khu vực bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Kết thúc đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua.