Đi tìm giải pháp cho taxi thời công nghệ

21:34 | 26/02/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nếu coi Uber như taxi, tại sao ta không cởi trói các quy định đối với taxi truyền thống, để loại hình này có cơ hội phát triển như Uber và Grab, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển đặt câu hỏi.
Đi tìm giải pháp cho taxi thời công nghệ - ảnh 1
Taxi truyền thống và taxi công nghệ đang cạnh tranh khốc liệt. Nguồn: Internet. 
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách vừa được đưa ra thêm một lần nữa cho thấy: Giải pháp để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho cả taxi truyền thống và công nghệ cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn.

Nghịch lý: Đơn vị cung cấp phần mềm là "ông chủ”

Sau 2 năm thí điểm hoạt động triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách, kết luận mà Hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đưa ra là: Còn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược nhau về định danh của mô hình kinh doanh như Uber hay Grab; tình trạng cạnh tranh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ ngày càng trở nên khốc liệt khiến nhiều hãng taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thẳng thắn: Việc tồn tại nhiều quan điểm trái ngược nhau về định danh cho mô hình kinh doanh như Uber hay Grab là thất bại lớn nhất của chương trình thí điểm. Với ông, Bộ Giao thông vận tải đã không "hợp lý" khi cho rằng Grab là mô hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng và chính điều này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa Grab, Uber với taxi truyền thống.

Đi tìm giải pháp cho taxi thời công nghệ - ảnh 2
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội tại Hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nguồn: Internet.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, ông Tạ Long Hỷ thể hiện rõ sự bức xúc: Ngay từ khi xuất hiện ở Việt Nam, Uber và Grab đã "tung nhiều chiêu trò theo kiểu cá lớn nuốt cá bé".

Số lượng phương tiện của hai công ty trên gấp 2,7 lần số lượng taxi của cả Hà Nội và TPHCM, nhưng số nộp ngân sách chỉ bằng 1/5 lần số thuế phải nộp của Hãng taxi Vinasun.

Thẳng thắn hơn, ông Nguyễn Văn Dân, Phó Giám đốc Sở GTVT Khánh Hoà cho rằng sự lầm lẫn giữa công ty vận chuyển hay công ty hỗ trợ đối với Uber, Grab là sự "lầm lẫn có tính toán".

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ không ngại ngần đưa ra nghịch lý: Uber, Grab là đơn vị cung cấp phần mềm nhưng lại là “ông chủ”. Người có công cụ thực chất là đi làm công và cũng không được quyết định quyền lợi của bản thân. Doanh thu lại rơi vào người cung cấp phần mềm.

Hoạt động của Uber, Grab dịp Xuân Mậu Tuất tiếp tục dấy lên hàng loạt câu hỏi: Vì sao các cơ quan chức năng không quản lý các chương trình khuyến mãi gây cạnh tranh không lành mạnh của Uber, Grab? Vì sao sự tăng cước tự động gấp nhiều lần của hai hãng taxi này trong dịp Tết lại hoàn toàn vượt khỏi vòng cương tỏa của cơ quan quản lý nhà nước?

Đó là còn chưa kể đến hành vi ép giá, đuổi khách dọc đường, không trả lại tài sản khách hàng bỏ quên trên xe của các tài xế Uber, Grab trong thời gian qua.

Chưa lúc nào, việc đi tìm giải pháp cho taxi thời công nghệ lại cấp bách như hiện nay.

Theo cái mới để cởi trói cái cũ

Mấu chốt của giải pháp hữu hiệu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải hành khách không phải là lùi thời điểm thí điểm hay xoá bỏ hình thức kinh doanh kiểu như Uber và Grab.

Khuyến nghị mà ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra là: Cần lấy cái mới làm cơ sở để  bãi bỏ "cái khung, cái áo cũ chật hẹp", từ đó, nới lỏng và xóa bỏ các hạn chế, rào cản.

Cùng chung nhận định trên, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển cho rằng: Quản lý nhà nước phải theo được cái mới, cởi trói cái cũ mới tạo ra được sự phát triển.

"Nếu coi Uber như taxi, thay vì áp nó vào những quy định cũ giống như các loại hình taxi truyền thống, tại sao ta không cởi trói các quy định đối với taxi truyền thống, để loại hình này có cơ hội phát triển như Uber và Grab đang có", ông Giao chia sẻ.

Nhận diện rõ bản chất của Uber và Grab; tham khảo phán quyết của Tòa án châu Âu; yêu cầu các loại hình Uber và Grab phải đăng ký giá theo quy định; “cởi trói” về điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống; taxi truyền thống phải thay đổi để theo kịp cuộc cách mạng công nghệ là hàng loạt giải pháp đã được giới học giả và nhà hoạch định chính sách đưa ra.

Trong đó, giải pháp mà Chủ tịch Tập đoàn Novaon, ông Nguyễn Minh Quý đưa ra được xem là bài học tự thân rất tốt cho các hãng taxi truyền thống.

Đi tìm giải pháp cho taxi thời công nghệ - ảnh 3
Taxi truyền thống phải đổi mới, sáng tạo để theo kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nguồn: Internet.
Theo ông Quý, hãy bắt đầu hiện thực hoá doanh nghiệp chuyển đổi theo công nghệ số bằng 5 bước:

Bước 1: Chuyển đổi từ nhà lãnh đạo trong việc quyết định đầu tư theo hướng số hóa.

Bước 2: Chuyển đổi kênh tương tác khách hàng.

Bước 3: Chuyển đổi dữ liệu thông tin số để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bước 4: Chuyển đổi mô hình vận động của doanh nghiệp.

Bước 5: Chuyển đổi nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.

Có như vậy, các hãng taxi truyền thống mới thay đổi được hình thức vận hành của mình để trở thành một doanh nghiệp thông minh, hiểu người dùng, tương tác được với người dùng theo một cách thức mới, thậm chí, tạo ra phương thức, mô hình kinh doanh mới không khác gì Grab và Uber.