Điểm nhấn của Đồ án đô thị hai bên vành đai 3
Đồ án sẽ giúp cải tạo, chỉnh trang kết hợp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên đường để tạo sự đồng nhất, kết nối hài hòa không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị giữa các khu hiện có và xây dựng mới; tạo lập phát triển và vận hành đô thị Hà Nội hiện đại, năng động và văn minh, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nhận định.
Theo đề án, đô thị hai bên đường vành đai 3 có chiều dài khoảng 4,22 km và tổng diện tích đất là 61,68 ha, bao gồm: Đất giao thông đô thị chiếm 40,21 ha; đất giao thông khu vực 0,81ha; đất công cộng thành phố 3,6 ha; nhà ở chung cư 3,47 ha, nhà liền kề 6,33 ha...
Khu đất lập thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3, nằm phía Tây Nam nội đô lịch sử, thuộc địa giới hành chính của phường: Trung Hòa, quận Cầu Giấy; phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); các phường: Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Hạ Đình, Kim Giang (quận Thanh Xuân); phường: Đại Kim, (quận Hoàng Mai) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Đất được sử dụng trong thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3 sẽ được quản lý theo quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đáng chú ý, điểm nhấn của đồ án là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía Đông Nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long.
Các dự án thuộc đô thị hai bên đường vành đai 3 chỉ được xây dựng tối đa 50 tầng.
Đồ án thiết kế phân chia đoạn tuyến thành 5 khu vực gồm:
Khu vực nút Trung Hòa (giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng) có hoạt động chủ đạo là văn phòng và nhà ở. Điểm nhấn là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía đông nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long cao từ 40 đến 50 tầng.
Đoạn đường Khuất Duy Tiến có hoạt động chủ đạo là văn phòng và nhà ở, hạn chế hoạt động, dịch vụ sử dụng trực tiếp nút giao Trung Hòa. Đoạn đường này được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến. Các công trình cao tầng với tầng cao đặc trưng từ 25 đến 30 tầng.
Khu vực Thanh Xuân khuyến khích hoạt động chủ đạo thương mại hỗn hợp, kết hợp khai thác lợi thế các ga đường sắt đô thị tại khu vực. Nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45 đến 50 tầng.
Đối với đoạn đường Nguyễn Xiển khuyến khích các hoạt động về nhà ở. Đoạn này được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến và diện; các công trình cao tầng có tầng cao trung bình từ 25 đến 30 tầng.
Khu vực nút giao Tôn Thất Tùng kéo dài có công trình điểm nhấn cao 35 tầng, các công trình xung quanh trung bình 20 tầng; cụm trụ sở Tòa Án, VKSND TP cao 5-7 tầng kết hợp các khoảng lùi, không gian sân vườn để tạo không gian mở cho nút giao thông.