Điều kiện kinh doanh lĩnh vực lao động rất ít được chú ý
07:58 | 05/12/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong thời gian qua, việc cắt giảm thủ tục kinh doanh trong lĩnh vực lao động dường như đang bị bỏ quên, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn đang bị vướng về cắt giảm điều kiện kinh doanh và quản lý hành chính.
Với mục đích đề xuất, kiến nghị các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhằm giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách” vào sáng 4/12.
Tại hội thảo, chia sẻ về thực trạng một số quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động, bà Nguyễn Minh Thảo-Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết: Hiện nay, cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chủ yếu mới chỉ ở dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất nhưng rất ít có cắt bỏ các điều kiện kinh doanh.
Lấy dẫn chứng về nhận định này, bà Thảo cho biết, điển hình như điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp), quy định trước và sau khi cắt giảm thực chất không khác biệt nhiều, nhất là ở những vướng mắc trong điều kiện kinh doanh.
Đồng thời, vẫn còn tình trạng điều kiện kinh doanh không có hoặc ít có ý nghĩa thiết thực, điều kiện kinh doanh thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan Quản lý Nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Cùng một sản phẩm nhưng tuỳ theo công suất lại chịu sự quản lý của hai bộ, ngành khác nhau.
Điển hình như sản phẩm nồi hơi có cùng TCVN 7704:2007 và QCVN 01-2008/BLĐTBXH, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quản lý nồi hơi có áp suất không quá 16 bar, Bộ Công thương quản lý nồi hơi có áp suất lớn hơn 16 bar. "Quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn chậm được cải cách trong lĩnh vực lao động, thậm chí có những văn bản mới được ban hành còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp", bà Thảo cho hay.
Do đó, bà Thảo kiến nghị cần tiếp tục bãi bỏ, cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh, thống nhất đầu mối quản lý về an toàn lao động, cắt giảm danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện kiểm tra an toàn lao động đối với hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn trước khi đưa vào vận hành, lưu thông thay vì trước thông quan.
Nhìn vào thực tế cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động hiện nay, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng “đang cải lùi chứ không phải cải cách”. Bởi lẽ, thứ nhất là quy định yêu cầu m2/người, như để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy phải bảo đảm bình quân ít nhất 5,5 m2/người. Tuy nhiên, quy định như thế không có căn cứ khoa học, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 càng thấy điều đó là vô lý! Bởi vì như thế sẽ không thể có cách thức kinh doanh mới xuất hiện. Chúng ta cứ nói đổi mới sáng tạo thì những thứ này lại kìm hãm. Cơ quan quản lý nhà nước cũng rất trì trệ khi không có ý tưởng mới, công cụ mới để quản lý.
Biểu hiện thụt lùi nữa được nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra là nếu như trước đây, 1 mặt hàng có tới 2 – 3 cơ quan nhà nước quản lý thì nay “có tới 10 cơ quan quản lý”, trong khi đáng ra phải thu hẹp lại theo mô hình chỉ còn 1 cơ quan quản lý đối với 1 mặt hàng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra các sản phẩm như nồi hơi ngay khi thông quan thay vì kiểm tra trên thị trường là không đúng bản chất quản lý nhà nước, không đánh giá được đúng an toàn của thiết bị. Từ đó, ông Cung cho rằng với cải cách hiện nay trong lĩnh vực lao động “chắc chắn Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp không mong muốn”.
Đứng ở góc độ đại diện cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, danh mục hàng phải kiểm định thuộc lĩnh vực của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là quá nhiều. Chỉ cần tập trung kiểm định đối với hàng hóa có nguy cơ mất an toàn cao hay sử dụng dành cho mục đích công cộng như loại bỏ các thiết bị có thể tích và áp suất nhỏ, loại bỏ các thiết bị sử dụng nội bộ, không dành cho cộng đồng. Trong thời gian tới cần rà soát danh mục hàng hóa tiến tới cắt giảm dựa trên lịch sử tai nạn và thiệt hại, phải so sánh thiệt hại với chi phí kiểm định cho toàn bộ sản phẩm đó. Hay dựa trên lịch sử kiểm định, xem xét tỷ lệ kết quả không đạt.
Cho biết rõ hơn về một số nội dung quy chuẩn và quy trình kiểm định mang tính khó hiểu, và gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn đã dẫn chứng các quy định về quy trình kiểm định bình khí nén có quy định kiểm định mặt trong bình khí nén khi không thể chui vào bên trong bồn khí gas để kiểm tra mặt trong được. Hay kiểm định điều hòa tổng cho tòa nhà bắt buộc phải rút toàn bộ dung môi ra để làm đúng phương pháp thì tòa nhà phải tắt điều hòa, thông gió trong 3-5 ngày gây chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Từ những bất cập này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong thời gian tới cần phải tiếp tục bãi bỏ, cải cách thực chất về quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, thống nhất đầu mối quản lý về an toàn lao động; cắt giảm danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra an toàn lao động đối với hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn trước khi đưa vào vận hành, lưu thông thay vì trước thông quan, cải cách các quy định và thực thi về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.