Định nghĩa ‘phi hạt nhân hóa’ - yếu tố then chốt để thượng đỉnh Mỹ-Triều đạt thỏa thuận
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa đã trở lại đúng lộ trình, mở ra triển vọng về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Những phát ngôn của Tổng thống Trump giờ đây thiên về một tiến trình, với thêm nhiều cuộc gặp Thượng đỉnh nữa cho mục tiêu phi hạt nhân hóa. Mọi chú ý đang hướng vào thỏa thuận phi hạt nhân có thể đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng, nếu “phi hạt nhân hóa” ở đây đáp ứng được các yêu cầu của cả Mỹ và Triều Tiên thì đây sẽ là một thỏa thuận “lịch sử”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ông không cần phải nghiên cứu kỹ cho cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Theo ông, điều quan trọng là “thái độ” chứ không phải “sự chuẩn bị”.
“Tôi nghĩ tôi đã chuẩn bị rất tốt rồi, tôi không nghĩ tôi phải chuẩn bị quá nhiều”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 7/6 khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
“Tất nhiên nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp thì tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra”, ông Trump nói, đồng thời cho biết có thể có thêm các cuộc gặp nếu cuộc Thượng đỉnh đầu tiên mang tính xây dựng.
“Tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng đạt được một thỏa thuận. Tôi thực sự tin ông Kim Jong-un muốn làm điều gì đó và ông ấy muốn thấy một điều gì đó thật phi thường cho người dân Triều Tiên”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế nhận định tiến trình phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên mới chỉ bắt đầu.
“Vấn đề lớn nhất trong tất cả là Mỹ định nghĩa “phi hạt nhân hóa” như thế nào và với Triều Tiên định nghĩa này là gì?”, ông Victor Cha, một cựu quan chức Mỹ từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống W. Bush nhận định.
Theo ông Victor Cha, “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” là cụm từ Triều Tiên đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua và hồ sơ Triều Tiên giờ đây còn phức tạp hơn, khi Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân, với tên lửa tầm xa và thậm chí là đầu đạn hạt nhân.
Bất cứ thỏa thuận nào theo mong muốn của Mỹ sẽ là kiểm chứng chi tiết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, từ các hệ thống vũ khí đến công nghệ phát triển. Hay nói một cách khác, Triều Tiên sẽ phải công khai hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Hơn thế nữa, thỏa thuận này cũng sẽ đặt ra thời hạn để Triều Tiên phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân và hệ thống vũ khí, trong đó có những tên lửa liên lục địa có thể chạm tới bờ biển phía Tây nước Mỹ mà Triều Tiên đã thử nghiệm trong năm 2017, năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền.
Mỹ đang kỳ vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý phơi bày chi tiết chương trình hạt nhân của mình. Ông Victor Cha cho rằng, việc thuyết phục ông Kim từ bỏ các đầu đạn hạt nhân là “không thể thành hiện thực”. Thực tế, chương trình hạt nhân vẫn đóng vai trò đảm bảo sự sống còn cho Bình Nhưỡng và là "lá bài chiến lược" trên bàn đàm phán của Triều Tiên.