DN tư nhân đóng 70,8% tổng thu của 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất năm 2017
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, thuế TNDN là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách pháp luật thuế, bởi đây là loại thuế trực thu, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế và thực hiện chức năng tái phân phối để đảm bảo công bằng xã hội.
Đây cũng là sắc thuế mà thông qua nó, có thể đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, bởi chỉ có những đơn vị làm ăn có lợi nhuận mới phải nộp thuế TNDN, lợi nhuận càng nhiều thì số thuế TNDN phải nộp càng lớn.
Ông Nam cho rằng, việc xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất là hoạt động nhằm thể hiện sự trân trọng đối với các DN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh và có đóng góp lớn cho ngân sách.
“Bảng xếp hạng 1.000 DN được xây dựng khách quan, minh bạch dựa trên mức độ đóng góp thực tế của DN vào ngân sách Nhà nước đối với sắc thuế TNDN, thông qua đó, gián tiếp phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN trong một năm”, ông Bùi Văn Nam nói.
Ông Nam thông báo: 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất năm 2017 chiếm 62,59% tổng số thuế TNDN của các DN cả nước. Năm 2016, 1.000 DN đạt số thuế TNDN nộp là 101.457 tỷ đồng; năm 2017, con số này tăng lên 110.027 tỷ đồng. Theo tính toán, có hơn 250.000 DN nộp thuế TNDN năm 2017.
Xét theo địa bàn thì Hà Nội và TPHCM tiếp tục dẫn đầu về số lượng và tỉ trọng đóng góp về số thuế TNDN của DN trong Bảng xếp hạng năm 2017, trong đó, tỉ lệ nộp thuế của các DN tại Hà Nội và TPHCM lần lượt là 36,0% và 32,5%. Đồng Nai và Bình Dương vị trí tiếp theo ngay sau 2 thành phố lớn tập trung nhiều DN. DN tỉnh Đồng Nai có đóng góp 5,8%, trong khi đó, DN tỉnh Bình Dương đóng góp hơn 4,4% trong Bảng xếp hạng.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý tại Lễ công bố là sự đóng góp của các DN tư nhân đối với ngân sách nhà nước.
Theo đó, khối DN tư nhân có 458 DN, chiếm 45,8% số DN trong Bảng xếp hạng và tỉ lệ đóng góp thuế TNDN chiếm khoảng 34,1%.
“DN tư nhân đóng góp 70,8% tổng thu của 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất năm 2017, trong khi, phần đóng góp của DN nhà nước chỉ chiếm 27,7%”, ông Nam nhấn mạnh.
Vui mừng trước những kết quả đạt được của 1000 DN trong Bảng xếp hạng, đặc biệt là của 458 DN tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Trong những năm qua, ngành tài chính đã thực hiện cải cách quyết liệt, mạnh mẽ, nhất là cải cách về lĩnh vực thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế đã tạo ta những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, đạt được mục tiêu và cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế, nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng DN, của xã hội và các tổ chức quốc tế.
“Đây thực sự là những dũng sĩ, những anh hùng rất đáng được tôn vinh. Họ là những con gà đẻ trứng vàng cho nền kinh tế”, ông Lộc nói.
Phản ánh đúng những ưu tiên trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Các DN trong bảng xếp hạng phần lớn thuộc các lĩnh vực chế biến, chế tạo; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thông tin truyền thông... Đây là những lĩnh vực có thể đảm bảo sự phát triển bền vững, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
“Cơ cấu thành phần kinh tế của các DN nộp thuế TNDN lớn nhất năm 2017 cũng cho thấy sự chuyển động rất tích cực theo hướng tái cấu trúc của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nhà nước không cần đầu tư, bỏ vốn nhưng lại tạo được nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế. Đây thực sự là nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước và cho đất nước”, ông Lộc khẳng định.
Là một trong những đại diện DN có mặt tại Lễ công bố sớm nhất, ông Wiroj Wipathanasiri, Giám đốc Tài chính, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (công ty của Thái Lan đã đầu tư tại Việt Nam được 25 năm) chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam về niềm tự hào vì công ty đã là một phần trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam là một đất nước có tiềm năng, kinh tế phát triển tốt. Chính phủ Việt Nam đã cố gắng xử lý và có hướng đi đúng đắn để tạo điều kiện tốt hơn cho cộng đồng DN.