Doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại dự án
Một trong những nội dung được quan tâm là kết quả của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản vừa được Thủ tướng chỉ đạo thành lập giữa tháng 11.
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác nhận thấy có nổi lên vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp. Giai đoạn thị trường tốt doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án khiến không cân bằng được tài chính.
Giữa tháng 11, Chính phủ lập Tổ công tác giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và một số địa phương trong thực hiện các dự án bất động sản. Tổ công tác đã từng bước giải quyết các vướng mắc cho thị trường, doanh nghiệp bất động sản trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ khó cho thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ ra một số vấn đề bất hợp lý trong quá trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp. Cụ thể, Tổ công tác ghi nhận vấn đề về pháp lý đất đai, thủ tục giao đất, điều chỉnh đất đai, tính giá đất… Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thay đổi về tính giá đất. Cùng đó, hàng loạt khó khăn trong thủ tục thực hiện dự án nhà ở; trong đó, có việc chồng chéo về thủ tục…
"Có những khó khăn mang tính chất thời điểm trong thời gian ngắn là nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp. Cùng một thời điểm các doanh nghiệp phải đáo hạn, trái phiếu phải trả. Đây là khó khăn lớn tác động đến sản xuất doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án, nhà thầu doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc. Trước thực tế trên, Tổ công tác đã khẩn trương làm việc với địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đó có đề ra thời hạn cụ thể" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Theo đó, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng. Việc này đã tạo thuận lợi bước đầu cho doanh nghiệp về nguồn vốn. Cùng đó, Thủ tướng chỉ đạo sửa đội Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, các doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận rõ về trách nhiệm của mình như cơ cấu lại dòng tiền, phân khúc sản phẩm cho phù hợp với thị trường để vượt qua được khó khăn, thậm chí, bán bỏ bớt dự án chưa triển khai để tập trung vào dự án đang triển khai.
Từ đó, tạo nên dòng vốn để triển khai các dự án tiếp theo. Về lâu dài, việc triển khai dự án phải triển khai theo đúng quy định, vay dự án nào phải thực hiện dự án đó, tránh đầu tư dàn trải, không đúng dự án tạo sự mất cân bằng như thời gian qua. Bên cạnh đó là những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, bộ, ngành địa phương để tạo thành "trợ lực" mạnh, giúp thị trường vượt qua khó khăn.