Doanh nghiệp cần giữ thế mạnh của mình để bứt phá sau dịch bệnh
Trước tình hình dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những đánh giá về bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp hiện nay.
Trong những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp cũng như tác động trực tiếp đến nền kinh tế thế giới. Vậy theo ông Việt Nam sẽ chịu những tác động nào?
TS. Võ Trí Thành: Mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 với kinh tế thế giới và Việt Nam rất lớn. Là một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, Việt Nam chịu tác động cả cầu và cung.
Vậy bối cảnh đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% mà Việt Nam đặt ra thưa ông?
TS. Võ Trí Thành: Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Trong đó, nếu dịch được kiểm soát ở quý I và II, tăng trưởng kinh tế có thể giảm từ 0,5 điểm phần trăm đến trên dưới 1 điểm phần trăm. Với diễn biến hiện nay, trường hợp tốt nhất, dịch sẽ hết vào quý II như vậy tăng trưởng cả năm sẽ còn thấp, thấp hơn nhiều dưới mục tiêu 6,8%.
Đồng thời, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng dựa trên hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù không mong muốn nhưng tăng trưởng cả năm còn được từ 5% trở lên đã là chỉ bảo tích cực trong bối cảnh thế giới hiện nay. Thậm chí nếu dịch kéo dài hơn kinh tế sẽ còn khó khăn hơn.
Theo ông làm thế nào để doanh nghiệp sống được trong bối cảnh kinh tế như hiện nay?
TS. Võ Trí Thành: Trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng đã tập trung tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Với những khoản nợ đã vay, doanh nghiệp đều được hoãn, giãn, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ và không thay đổi nhóm nợ. Về thuế, doanh nghiệp cũng được gia hạn thời gian nộp VAT, tiền thuê đất... Đồng thời, chỉ thị cũng cố gắng thúc đẩy những lĩnh vực mới như kinh tế số và sẽ có sandbox đặc biệt cho hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm. Dự toán ngân sách đầu tư công năm nay và dư địa của năm ngoái là khoảng 600.000 tỷ đồng. Hoạt động này được đẩy mạnh không những hỗ trợ tăng trưởng mà còn tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và tạo tiền đề phát triển cho tương lai.
Thêm nữa, Chính phủ cũng cần chuẩn bị kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế như dịch có thể kéo dài cả năm và thời điểm tung gói hỗ trợ tiếp theo hoặc điều chỉnh mức giảm lãi suất mạnh hơn.
Tôi cho rằng nếu cần, Việt Nam cũng sẽ kích cầu và chỉ trong tháng 3 này sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ bổ sung. Thời gian qua, các chính sách được đưa ra cơ bản vẫn là gói hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt đang "nát óc" để tìm cách chống chọi và cầm cự. Tuy nhiên, cũng đã có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo và linh hoạt. Ví dụ, nếu doanh nghiệp không làm được khách sạn sẽ chuyển sang làm nông nghiệp, thương mại điện tử, chuyển đổi số hay bánh mỳ thanh long... Ngay khi Trung Quốc có tín hiệu cần tiêu thụ nông sản, thì hàng ngàn container hàng hóa đã được xuất khẩu qua biên giới, tín hiệu tốt hơn nhiều kể từ đầu mùa dịch đến nay.
Tuy nhiên, bên cạnh đầu tư mới vào những hoạt động chuyển đổi sáng tạo như vừa nêu thì doanh nghiệp nên giữ lại phần “core” cho mình. Ví dụ doanh nghiệp có 3-4 nhà hàng thì chỉ nên giữ lại một nhà hàng và đội ngũ đầu bếp giỏi nhất. Đồng thời, nghĩ kế hoạch cho tương lai vì cơ hội ở đó còn rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!