Doanh nghiệp cần học cách sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ để hoạch định kinh doanh

21:25 | 28/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với việc Việt Nam gia nhập WTO và tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới, trong đó, 10 FTA đã có hiệu lực, chưa lúc nào, yêu cầu doanh nghiệp phải học cách sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ để hoạch định kinh doanh cấp thiết như thời điểm hiện nay, theo khuyến nghị của Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI.

Doanh nghiệp cần học cách sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ để hoạch định kinh doanh - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Các hiệp định trên đã mở ra nhiều cơ hội xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, và cải thiện môi trường kinh doanh đáng kể cho các doanh nghiệp và ngành kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa tận dụng được hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định này so với doanh nghiệp từ các nước đối tác.

Nhập siêu và thiếu thông tin về các FTA

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu từ 6 đối tác FTA bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand và Nhật Bản. Hai đối tác FTA duy nhất Việt Nam xuất siêu là Australia và Chile.

Chỉ riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, mới chỉ có khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan từ FTA. Ở các khía cạnh khác, mức độ tận dụng cũng rất thấp.

Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu thông tin về các FTA, bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp so với đối thủ, quy tắc xuất xứ quá khó khăn, cam kết bất lợi với hoạt động của doanh nghiệp,…

Một trong những nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là doanh nghiệp thiếu khả năng tiếp cận thông tin về ưu đãi thuế quan, về nhu cầu ở các thị trường, về diễn tiến cung - cầu và dòng chảy thương mại, đầu tư ở các thị trường...

Thiếu các thông tin cơ bản này, quá trình hoạch định kế hoạch kinh doanh, nhận diện thị trường, sản phẩm mục tiêu và dự kiến lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng và các ngành kinh tế nói chung bị hạn chế đáng kể.

Cụ thể, khi đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp cần xác định và phân tích rất nhiều yếu tố, bao gồm: Khả năng cung ứng, thông tin sản phẩm, nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh, quy định tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng…

Quá trình thu thập và nghiên cứu dữ liệu càng chi tiết, càng nhiều rủi ro được hạn chế. Thông tin chính là chìa khóa cốt lõi đảm bảo tỉ lệ thành công của chiến lược mở rộng thị trường.

Sau khi thu thập đủ thông tin, doanh nghiệp cần cân nhắc và đánh giá chúng dựa trên nguồn lực sẵn có của mình, từ đó chọn được thị trường mới và xây dựng phương án gia nhập phù hợp nhất.

Ví dụ, thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn với mặt hàng chuối từ Việt Nam, với thuế quan là 0% nhưng rào cản phi thuế quan lại vô cùng chặt chẽ, sẽ phù hợp với các doanh nghiệp có đầu tư vào quy trình trồng và chế biến sản phẩm chuối, kiểm soát được chất lượng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường này.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn về chuối, thuế quan 0% cho các nước ASEAN, không có nhiều rào cản kỹ thuật nhưng lại có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, sẽ phù hợp vớicác doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thời vụ, không có quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ nhưng có khả năng cung cấp sản phẩm với giá thành rất cạnh tranh.

Tìm kiếm, phân tích dữ liệu thương mại quốc tế rất có ý nghĩa

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào tiến trình hội nhập toàn cầu, kỹ năng tìm kiếm và phân tích dữ liệu thương mại quốc tế rất có ý nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong việc gia nhập thị trường mới mà còn trong quá trình xây dựng phương án kinh doanh nhằm cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.

Doanh nghiệp cần học cách sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ để hoạch định kinh doanh - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Hiểu được tầm quan trọng này, có kỹ năng tìm kiếm và phân tích dữ liệu thương mại quốc tế, các doanh nghiệp sẽ vượt qua hạn chế về thông tin, tự tin tận dụng các cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thông qua các con đường ưu tiên mở ra bởi các FTA.

Hiện VCCI và các đối tác sẵn sàng mở các khóa đào tạo nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với nền kinh tế số đang biến đổi từng ngày.