Doanh nghiệp du lịch: Tránh tình trạng mỗi nơi một chính sách
Tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp trở lại hoạt động du lịch
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ở góc độ quản lý Nhà nước, phải tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế-xã hội của từng địa phương, góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, phải tập trung nghiên cứu, lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ đang tiếp cận theo hướng phải nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.
Đề nghị không cần cách ly y tế
Để thích ứng với điều kiện bình thường mới sau khi mở cửa, các doanh nghiệp du lịch cũng thống nhất cho rằng, không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel chia sẻ sự thống nhất, đồng bộ trong chính sách vĩ mô là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi. Nếu để các địa phương mỗi nơi một chính sách, việc triển khai sẽ rất khó khăn.
Bà Hương cho rằng, an toàn là điều kiện ưu tiên số 1, nhưng hiện nay thủ tục hành chính giữa các địa phương cũng rất nhiều, giữa các vùng đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm. Nếu vẫn duy trì thế này, rõ ràng du lịch không thể phát triển. Theo bà, không phải cứ đến từ vùng dịch là phải cách ly hết. Việc này cần có ý kiến của Tổng cục Du lịch gửi đến địa phương để kích cầu du lịch, tránh tình trạng mỗi nơi một chính sách.
“Chúng tôi đề nghị không cần cách ly y tế. Việc này phải triển khai nhanh và gấp chứ tất cả đều chỉ nói mà chưa ra được văn bản có ngày tháng cụ thể, có thời hạn để địa phương nhìn vào và thực hiện”, đại diện Viettravel kiến nghị.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… sẵn sàng áp dụng điều kiện an toàn. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng cần có sản phẩm du lịch an toàn. “Với du lịch nội địa sẽ có biện pháp thế nào, với du lịch liên vùng, liên tỉnh sẽ cần có biện pháp ra sao? Chúng ta phải có kịch bản riêng để bảo đảm an toàn về mặt thị trường, như vậy sẽ nối chính xác điểm đến, tạo điểm đến, tạo sản phẩm, tạo kết nối đúng nhu cầu của du khách”, ông Phùng Quang Thắng nêu ý kiến.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, yếu tố an toàn trong du lịch là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, vì hành khách sẽ chỉ đi du lịch trong một điều kiện được bảo đảm an toàn. Khái niệm an toàn cũng cần được hiểu một cách linh hoạt và phù hợp với thực tế. Đó là lý do ngành du lịch đã đưa ra 4 tiêu chí cho sự an toàn: Vaccine, 5K, công nghệ và truyền thông, những tiêu chí này tương đối phù hợp với tình hình hiện nay.
Buổi tọa đàm đã nhận được các ý kiến đóng góp thực chất từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chung tay góp phần cho nỗ lực phục hồi ngành du lịch, tiếp tục hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.