Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được giảm thuế thu nhập
Ngày 11/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo Thông tư 03/2021/TT-BTC, mức và thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ, cụ thể: được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu năm nào doanh nghiệp khoa học và công nghệ không đáp ứng điều kiện về doanh thu của các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu năm của doanh nghiệp thì năm đó doanh nghiệp khoa học và công nghệ không được hưởng ưu đãi và được tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi và kê khai vào Bảng kê ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ kèm theo Thông tư này. Bảng kê ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được gửi kèm theo tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm.
Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Về điều kiện áp dụng, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
- Doanh thu hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp;
- Doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường;
- Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ trong kỳ để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện phân bổ theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12.
- Thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và nộp thuế theo kê khai.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.
Theo nhandan.com.vn, hiện cả nước có khoảng 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Báo cáo của 235 doanh nghiệp với đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 cho thấy, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tạo việc làm cho 31.264 người lao động với thu nhập bình quân tháng 15 triệu đồng/người. Tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp năm 2019 đạt 147.170,5 tỷ đồng, chiếm 2,39% GDP cả nước.
Nhờ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp không ngừng tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh.
Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hơn 90% số doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ bằng toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng chú trọng xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả khoa học và công nghệ và sản phẩm được tạo ra, với 138 doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chín doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ, đang chờ kết quả.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước để ứng phó với đại dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, trong đó nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên vật liệu. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thời gian qua, hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ có nhiều thuận lợi. Việc được cấp chứng nhận "Doanh nghiệp khoa học và công nghệ " giúp doanh nghiệp dễ thương mại hóa sản phẩm hơn do sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, giúp khách hàng yên tâm về chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, được giới thiệu quảng bá sản phẩm thông qua các hội thảo, triển lãm, kết nối cung - cầu, chợ công nghệ và thiết bị.
Nhờ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, được vay vốn tín dụng đầu tư, sử dụng vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cho nên doanh nghiệp tập trung được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho khoa học và công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh. Các tỉnh, thành phố ngày càng chú trọng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương thực hiện các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ thông qua việc ban hành và triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ.
Minh Hoa