Doanh nghiệp Mỹ ngày càng coi trọng Việt Nam

19:21 | 29/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gần đây, nhiều hiệp hội thương mại lớn nhất của Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vaccine và không sử dụng thuế quan để giải quyết tranh chấp thương mại với Việt Nam.

Ngày 27/7, Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ (AAFA) đã có hai lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

AAFA là Hiệp hội đại diện cho các thương hiệu thời trang toàn cầu như Adidas, Gap... Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, AAFA đã kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vaccine cho Việt Nam, bao gồm cả vaccine AstraZeneca từ kho dự trữ. Theo ông, hành động này không chỉ cứu sống hàng triệu sinh mạng mà còn có thể thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi.

"Thành công của ngành may mặc, giày dép Mỹ, và hơn 3 triệu công nhân Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào các nhà cung cấp trên khắp thế giới. Do đó, sự thành công của chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sức khoẻ, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam", ông Steve Lamar viết trong thư.

Doanh nghiệp Mỹ ngày càng coi trọng Việt Nam - ảnh 1

Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi thêm vaccine cho Việt Nam để bảo toàn chuỗi cung ứng

AAFA cho biết, Việt Nam là nhà cung cấp hàng dệt may, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chiếm 20% tổng lượng hàng nhập khẩu của nước này. Các doanh nghiệp cung ứng của các ngành này thường tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam, xung quanh TP.HCM, với lực lượng lao động khoảng 4 triệu người. Hiện các tỉnh này đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng COVID-19 lần thứ tư.

Vì thế AAFA nhấn mạnh, "Không có vaccine thì không có cách nào để người lao động trở lại làm việc an toàn", đồng thời đánh giá điều này có thể dẫn đến những thiệt hại không đáng có về sinh mạng và khiến hàng trăm nghìn công nhân – những người đóng góp cho kinh tế Việt Nam và Mỹ, đối mặt với nhiều thách thức khi các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Ở lá thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch AAFA kêu gọi Chính phủ Việt Nam thực hiện một số hành động khẩn cấp nhằm kiểm soát sự lây lan của COVID-19, đặc biệt ở miền Nam. Trong đó, đại diện AAFA đề xuất Việt Nam ưu tiên phân phối vaccine cho ngành may mặc, da giày.

Ngoài ra, Ông Steve Lamar cũng kêu gọi Thủ tướng tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp địa phương, đặc biệt là các đối tác trong ngành may mặc, giày dép để xác định và triển khai các giải pháp sáng tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm giúp ngành tiếp tục hoạt động một cách an toàn trong thời gian cuộc khủng hoảng này.   

Trước đó, ngày 14/7, 76 hiệp hội thương mại Mỹ bao gồm Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Hiệp hội Internet và Phòng Thương mại Mỹ đã có bức thư gửi đến bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ kêu gọi cơ quan này trao đổi với Việt Nam để giải quyết bất đồng thay vì áp thuế quan.

Cụ thể trong thư có đoạn: "Nếu chính quyền có lo ngại về một số yếu tố trong mối quan hệ giao thương của Mỹ với Việt Nam, thì điều chúng ta cần làm là trao đổi, chứ không phải là đặt ra thêm thuế quan".

Các hiệp hội thương mại Mỹ lập luận rằng không có đủ bằng chứng để cho thấy Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trên lĩnh vực xuất khẩu gỗ và tiền tệ. Ngoài ra, việc áp thuế quan sẽ làm tổn hại quan hệ của Mỹ với một đối tác giá trị.

Lá thư viết trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên với tư cách là lựa chọn "thay thế đáng tin cậy cho Trung Quốc". Nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp Việt Nam xuất khẩu là đầu vào chính của các nhà sản xuất Mỹ. Do đó, "thuế quan đối với những sản phẩm này sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ".

Việc Việt Nam liên tục được các hiệp hội thương mại lớn của Mỹ lên tiếng ủng hộ mỗi khi gặp vấn đề, phần nào cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thể hiệp sự ưu ái đặc biệt đến thị trường Việt Nam.

Đầu tháng 5 vừa rồi, Trang Material Handling & Logistics (QIMA) của Mỹ cho biết, cho biết 43% doanh nghiệp được hỏi tại Mỹ đều khẳng định Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung trong đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Báo cáo của QIMA dựa vào kết quả khảo sát hơn 700 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng quốc tế, xem xét những điểm nổi bật của chuỗi cung ứng trong quý I/2021 và những xu hướng mới nổi có thể ảnh hưởng đến bối cảnh tìm nguồn cung toàn cầu trong những tháng tới.

Báo cáo cũng cho biết, Khoảng 30% tổng số người mua trên toàn cầu và 38% người mua tại Mỹ đều nêu tên Việt Nam trong số các quốc gia họ dự định tăng lượng mua hàng trong năm 2021.

Theo Nikkei Asia, người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng và quen với các sản phẩm "Made in Vietnam". Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

3 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam – Mỹ tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt gần 25,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 22,2 tỷ USD, chiều ngược lại Việt Nam nhập siêu 3,7 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như sản phẩm gỗ nội thất, dệt may - giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử...

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hậu COVID-19 có nhiều tiềm năng để phát triển. Do ảnh hưởng dịch bệnh, từ năm 2020, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi, những sản phẩm chất lượng của Việt Nam ngày càng có uy tín đối với người tiêu dùng Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng để mở rộng quy mô sản xuất sau đại dịch COVID-19. Thị trường Việt Nam – Mỹ là hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau và ngày càng thể hiện tính gắn kết để tham gia chặt chẽ vào chuỗi cung ứng hàng hóa. 

H.A

Xem thêm: Nhiều doanh nghiệp Mỹ lên tiếng bảo vệ Việt Nam