Doanh nghiệp niêm yết bắt tay vào lĩnh vực nào sau Tết?

22:20 | 25/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngay sau Tết, các doanh nghiệp niêm yết đã tăng tốc cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Gia tăng lợi nhuận từ các lĩnh vực mới

 
Theo tinnhanhchungkhoan.vn, ngay từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Phú Tài (PTB), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC), Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CRE)… lên kế hoạch ghi nhận thêm mảng lợi nhuận mới so với thực hiện trong năm 2020.
 
Cụ thể, năm nay, PTB đặt kế hoạch đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 40% so với năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận mảng bất động sản lần lượt là 628 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, trong khi năm ngoái không ghi nhận kết quả kinh doanh mảng này.
 
 
Tính tới 31/12/2020, PTB ghi nhận chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang bất động sản 492,4 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng tồn kho của doanh nghiệp. Đối ứng với khoản mục này, doanh nghiệp có ghi nhận 246,3 tỷ đồng người mua trả tiền trước mua nhà dự án bất động sản.
 
PTB không thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính quý IV/2020, tuy nhiên, trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang bất động sản 284,1 tỷ đồng, đây là chi phí đầu tư xây dựng tại dự án Chung cư cao tầng hồ sinh thái đầm Đống Đa do Công ty TNHH MTV Bất động sản Phú Tài (PTB sở hữu 100% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư, quy mô dự án 5.830 m2, với 33 tầng. Tổng vốn đầu tư dự án là 876,4 tỷ đồng, thời gian triển khai từ quý II/2019 đến quý I/2022.
 
 
Doanh nghiệp niêm yết bắt tay vào lĩnh vực nào sau Tết? - ảnh 1
 PTB, DGC và CRE đang có động thái tiến sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2021.
 
Như vậy, với việc đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận từ mảng bất động sản, nhiều khả năng PTB sẽ bắt đầu ghi nhận một phần lợi nhuận của dự án Chung cư cao tầng hồ sinh thái đầm Đống Đa trong năm 2021 và phần còn lại trong năm 2022.
 
Đây là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh của PTB tăng trưởng trong thời gian tới, giúp giá cổ phiếu duy trì đà tăng. Hiện giá cổ phiếu PTB đạt trên 70.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 1 năm qua.
 
Với DGC, doanh nghiệp này lên kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang với vốn điều lệ 500 tỷ đồng (DGC sẽ sở hữu 100% vốn điều lệ tại pháp nhân mới), hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
 
Trước đó, tại Hội nghị nhà đầu tư diễn ra trong tháng 11/2020, ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc DGC chia sẻ, Công ty dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ dự án bất động sản trong năm 2021. Đối với dự án bất động sản tại phố Đức Giang - Hà Nội, Công ty sẽ cố gắng khởi công khu liền kề vào quý III/2021 và có thể ghi nhận lợi nhuận ngay. Trong đó, toàn bộ 62 căn liền kề tại dự án đã được đặt mua, doanh nghiệp sẽ hợp tác với đơn vị phân phối để bán các sản phẩm.
 
DGC đặt kế hoạch kinh doanh trong quý I/2021 đạt tổng doanh thu 1.941 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận quý đầu năm 2021 tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu DGC trong 1 năm qua gần như liên tục tăng, từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu lên sát ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua.
 
Tại CRE, doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt tăng 89% và 18% so với năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp lên kế hoạch ghi nhận doanh thu thông qua chuyển nhượng bất động sản là 2.372 tỷ đồng, tăng 129%.
 
 
CRE chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối bất động sản, việc lên kế hoạch tham gia thứ cấp vào các dự án bất động sản chuẩn bị bàn giao kỳ vọng sẽ bổ sung doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
 
Được biết, ngày 23/1/2021, CRE đã thông qua việc đầu tư, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án Chung cư Chánh Nghĩa Quốc Cường tại phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với tổng giá trị 485,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có thuyết minh danh sách 211 sản phẩm bất động sản đầu tư trong dự án.
 
Ngày 26/1/2021, CRE thông qua việc đầu tư, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội với tổng giá trị 446,2 tỷ đồng, doanh nghiệp có công bố danh sách 20 bất động sản đầu tư trong dự án.
 
Trong lĩnh vực thuỷ sản, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc. VHC sẽ góp 70 tỷ đồng, tương ứng 70% vốn điều lệ công ty mới, ngành nghề là chiến biến và bảo quản rau củ.
 
Giá cổ phiếu VHC gần đây có diễn biến tăng, được nhìn nhận là sự phục hồi kỹ thuật sau đợt sụt giảm trước đó. Giới đầu tư không đánh giá cao động thái thành lập pháp nhân mới cũng như ngành nghề mới vì quy mô nhỏ. VHC có vốn điều lệ 1.833,8 tỷ đồng, doanh thu năm 2020 đạt 7.037,2 tỷ đồng, lợi nhuận 704,8 tỷ đồng.
 
Việc mở rộng sang lĩnh vực mới không phải dễ dàng, thậm chí có những doanh nghiệp quy mô lớn sau đó đã phải rút lui, tập trung vào ngành cốt lõi ban đầu.
 
Chẳng hạn, từ năm 2016, Công ty cổ phần FPT mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, với kỳ vọng sẽ bổ sung đà tăng trưởng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2017, chiến lược phát triển thay đổi khi Công ty cấu trúc lại hệ thống, trong đó thoái vốn mảng bán lẻ để tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Theo đó, FPT giảm sở hữu tại Công ty Thương mại FPT từ 100% xuống 48%, giảm sở hữu tại Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ 85% về 55%.
 
Nhà đầu tư cần theo dõi sát hiệu quả kinh doanh trong các kỳ báo cáo để đánh giá tính khả thi của lĩnh vực mới.
 
Tương tự, tại Công ty cổ phần Gemadept, năm 2017, doanh nghiệp định hướng tập trung nguồn lực vào ngành cốt lõi là khai thác cảng và logistics, tiếp tục thực hiện thoái vốn lĩnh vực trồng cây cao su, thoái vốn tại công ty vận tải biển…
 
Đó là các bước đi tái cấu trúc, quay trở lại ngành kinh doanh cốt lõi ban đầu của FPT và Gemadept sau giai đoạn đa ngành.
 
Trong ngắn hạn, với việc mới thâm nhập vào ngành mới, giới đầu tư kỳ vọng PTB, DGC và CRE sẽ có thêm nguồn bổ sung doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo các doanh nghiệp sẽ thành công, nhà đầu tư cần theo dõi sát hiệu quả kinh doanh trong các kỳ báo cáo để đánh giá tính khả thi.
 
Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản có tính chu kỳ cao, có giai đoạn thăng hoa giúp nhiều doanh nghiệp thắng lớn, nhưng cũng có giai đoạn đóng băng và tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu doanh nghiệp sử dụng nợ nay để tài trợ cho quá trình phát triển dự án bất động sản.
 

Vượt qua rào cản, tăng tốc triển khai kế hoạch sản xuất  kinh doanh

 
 
Năm 2021 được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) xác định tiếp tục là một năm có nhiều thách thức. Lý do là mảng khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh đóng góp tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn vẫn gặp khó, do giá mủ cao su vẫn ở mức thấp. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su vẫn chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.
 
Trong khi đó, mảng kinh doanh khu công nghiệp - mảng hoạt động mới của Tập đoàn chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
 
 
Lãnh đạo GVR cho biết, Tập đoàn phấn đấu khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có, xây dựng kế hoạch có tăng trưởng so với năm 2020 và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 qua công tác quản lý giá thành đối với sản phẩm cao su, phát huy tối đa hiệu quả những ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn.
 
Năm nay, GVR đặt mục tiêu doanh thu đạt 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,2% và 15% so với mức thực hiện trong năm 2020. Riêng công ty mẹ, mục tiêu doanh thu đạt 4.610 tỷ đồng, tăng 2,5% so với thực hiện được của năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 2.700 tỷ đồng.
 
GVR cho biết, kế hoạch năm 2021 được xây dựng trên cơ sở tiềm năng của các đơn vị thành viên và phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp. Nếu các vướng mắc về cơ chế chuyển đổi đất đai, thoái vốn sớm được khơi thông thì hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn sẽ cao hơn nhiều, vì có thể khai thác hết các thế mạnh vốn có của Tập đoàn.
 
GVR đề ra 9 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021, trong đó đáng chú ý là các giải pháp: quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai; thực hiện xen canh, luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát huy tối đa hiệu quả của sản phẩm găng tay y tế trong điều kiện tiêu thụ thuận lợi; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở thêm thị trường mới, tăng cường tỷ lệ bán cho các đơn vị trực tiếp sản xuất, tăng cường công tác thu mua để tăng doanh thu cũng như thực hiện vai trò dẫn dắt, điều tiết thị trường…
 
Tập đoàn Sơn Hà cũng đã bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch kinh doanh năm nay, tập trung phát triển các sản phẩm ngành nước, năng lượng, bất động sản và gia dụng. Ngay từ giữa tháng 1/2021, Sơn Hà đã khánh thành hai dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 1.757 KWp tại Quảng Nam.
 
Dự án do Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) – công ty thành viên của Sơn Hà làm chủ đầu tư. Dự kiến mỗi năm, hai dự án này sẽ phát lên lưới điện quốc gia gần 2,5 triệu KWh điện. Tại hai dự án này, SHE sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái FreeSolar do chính Tập đoàn Sơn Hà nghiên cứu, phát triển.
 
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc SHE cho biết, Công ty sẽ tiếp tục theo đuổi định hướng phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững.
 
Tận dụng cơ hội mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, Tập đoàn Sơn Hà đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành bằng việc đầu tư dây chuyền lắp ráp xe điện EVgo tại Bắc Ninh.
 
 
Tận dụng cơ hội mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, Tập đoàn Sơn Hà đã quyết định đầu tư dây chuyền lắp ráp xe điện EVgo tại Bắc Ninh.
 
Mục tiêu của Công ty là trong vòng 5 - 10 năm tới, nhà máy lắp ráp xe điện này sẽ trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất, lắp ráp cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 10 - 20% thị phần xe hai bánh trong nước (khoảng 300.000 - 600.000 xe/năm).
 
 
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết đã và đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm động lực tăng trưởng.
 
Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp. Câu chuyện thiếu container rỗng đang là một mối lo lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu vì hàng hóa sẽ bị tồn đọng, không xuất được, đồng thời chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Tình trạng này dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 3/2021.
 
Có doanh nghiệp chia sẻ, chi phí cho mỗi container xuất đi đã tăng 700%, nhưng nhiều đơn đặt hàng cũng không thể giao "vì bị hãng tàu huỷ".
 
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG, đơn hàng của TNG đã nhận đến tháng 6 năm nay, các nhà máy đã vận hành sản xuất sản phẩm cho đơn hàng tháng 2 và tháng 3. Công ty không lo thiếu đơn hàng nhưng lại gặp khó khăn trong việc xuất hàng đi vì thiếu container.
 
 
Doanh nghiệp niêm yết bắt tay vào lĩnh vực nào sau Tết? - ảnh 2
 Sau Tết, doanh nghiệp niêm yết vượt qua rào cản, tăng tốc
triển khai kế hoạch sản xuất  kinh doanh
 
Năm 2021 cũng là một năm khó lường với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC). Theo ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc MPC, năm 2021 vẫn là một ẩn số. MPC chuẩn bị sẵn các kịch bản để linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh.
 
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành bán lẻ như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT).
 
Năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh số lũy kế đạt 14.667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do dịch Covid-19 làm sức mua thị trường ICT giảm mạnh.
 
Bên cạnh đó, FPT Retail cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu (số lượng cửa hàng Long Châu mở mới đạt 130 cửa hàng) và tiến hành thử nghiệm chuỗi phân phối mỹ phẩm Fbeauty làm chi phí đầu tư gia tăng, lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ, đạt 28 tỷ đồng.
 
Năm nay, FPR Retail đặt kế hoạch là năm đầu tiên hệ thống nhà thuốc Long Châu có lãi, với số lượng cửa hàng đạt 420 và doanh thu đạt 4.300 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020. Trước đó, lãnh đạo Công ty đã xác định chấp nhận bù lỗ trong thời gian đầu tham gia thị trường nhưng sẽ chính thức bùng nổ từ năm 2021.
 
Xác định 2021 tiếp tục là năm đầy thách thức và biến động, các doanh nghiệp tận dụng từng cơ hội ngay từ đầu năm để có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
 

Mở rộng công suất để bắt kịp nhu cầu thị trường

 
Cũng theo tinnhanhchungkhoan.vn, vượt qua nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện Nhà máy gạch nhựa SPC tại Đồng Nai của liên doanh Hoàng Gia Pha Lê (PLP sở hữu 50% vốn) đã chạy hết công suất 4 dây chuyền lắp đặt. Máy móc thiết bị 4 dây chuyền tiếp theo đã được Công ty ký hợp đồng và được vận chuyển về nhà máy vào tháng 12/2020, đang tiến hành lắp đặt. Bốn dây chuyền còn lại cũng đã được Hoàng Gia Pha Lê chuyển tiền thanh toán cho đối tác, giữa tháng 1 cập cảng Việt Nam và vận chuyển về nhà máy trước dịp tết Nguyên đán.
 
 
Theo kế hoạch, 12 dây chuyền sẽ hoàn chỉnh lắp đặt sau Tết và vận hành công suất tối đa ngay sau khi đưa vào hoạt động. Như vậy, Nhà máy Đồng Nai với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, công suất 10 triệu m2 sàn gạch nhựa SPC mỗi năm chuẩn bị chạy hết công suất.
 
Minh Hoa