Doanh nghiệp ô tô: Lao đao trước giờ G?

08:21 | 05/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các doanh nghiệp ô tô Việt đang trong cuộc đua giảm giá hoặc bỏ cuộc chơi.

Hơn một năm trước thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam hạ xuống 0% (01/01/2018), Chính phủ đã ban hành Nghị định 116, Nghị định 125 và Bộ Tài chính cũng đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô bán tải. Những quy định này hướng tới bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng đang khiến các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao với cơn bão giảm giá.

Hẹp sản xuất, tăng nhập khẩu

Dòng xe nhập khẩu từ ASEAN với thuế suất 0% và giá thành sản xuất thấp hơn Việt Nam khoảng 20% (nhờ có sản lượng lớn và công nghiệp hỗ trợ phát triển) đang tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá trên thị trường ô tô trong nước.

Doanh nghiệp ô tô: Lao đao trước giờ G? - ảnh 1
 

Thị trường ô tô: Cầu giảm, cung nhiều. Ảnh: Internet

Lo lắng là tâm lý chung của tất cả các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam thời điểm hiện tại. Để dễ dàng bán sản phẩm mà không sợ ảnh hưởng đến doanh thu, các doanh nghiệp lớn như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam và Hyundai Thành Công… đã dần chuyển hướng từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc về bán.

Hệ lụy từ sự chuyển hướng này không chỉ là địa phương mất thuế, giá trị gia tăng trong nước giảm, lao động mất việc làm mà còn khiến các công ty sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thu hẹp sản xuất. Công ty Nội thất Xuân Hòa là một ví dụ. Công ty này đã góp vốn 30% vào liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội và nhận hợp đồng gia công phụ tùng ô tô (ghế ngồi) cho liên doanh này với doanh thu hằng năm lên đến trên 20 tỷ đồng. Việc Toyota Boshoku Hà Nội có thể chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu sẽ đẩy Công ty Nội thất Xuân Hòa vào tình trạng mất việc.

Cầu giảm, cung nhiều đang là một nghịch lý của thị trường ô tô hiện nay, khi mà doanh nghiệp buộc phải nhập siêu để tránh những quy định nghiêm ngặt hơn trong năm mới và khách hàng thì bình tĩnh chờ đến thời điểm thuế xuất nhập khẩu về 0% hoặc chờ thêm một đợt điều chỉnh chính sách thuế, phí dịp cuối năm từ các nhà quản lý.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2017, ước tính thị trường ô tô Việt Nam đã nhập khẩu 7.000 ô tô các loại, với giá trị ước tính khoảng 200 triệu USD. So với tháng 10, lượng xe nhập khẩu cao hơn khoảng 1.000 chiếc với giá trị cũng cao hơn nhiều (155 triệu USD). Đây được coi là tháng cao điểm nhập xe của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam cho năm 2018.

Các chuyên gia nhận định: Sau đợt nhập siêu này, các hãng xe sẽ tạm “án binh bất động” ít nhất trong quý I/2018, đợi chờ những hướng dẫn mới cũng như thay đổi mới của các nhà quản lí. Hàng loạt xe mới như Toyota Wigo, Fortuner… cũng đã tạm dừng kế hoạch ra mắt tại Việt Nam để chờ… thời.

Từ cuộc đua giảm giá đến… bỏ cuộc chơi

Với quy định mới, giá ô tô cũ nhập khẩu có thể tăng hơn cả trăm triệu đồng/chiếc. Nhưng hiện nay, với xu hướng giảm giá của các dòng ô tô mới, các mẫu xe, đời xe cũ vẫn đang giảm giá rất mạnh để giành giật khách hàng. Nhiều mẫu ô tô cũ bày đầy vỉa hè, giá chỉ 100 triệu nhưng vẫn không bán được. Hiện tượng xe cũ siêu sang Rolls Royce bày bán trên vỉa hè đường Phạm Hùng (Cầu Giấy - Hà Nội) vài ngày qua là chuyện khá lạ.

Doanh nghiệp ô tô: Lao đao trước giờ G? - ảnh 2
 

Rolls-Royce được bày bán ngay trên vỉa hè. Ảnh: Internet

Cuộc đua giảm giá ô tô khốc liệt kéo theo cả những doanh nghiệp không hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Thực tế cho thấy, số lượng xe đủ điều kiện hưởng thuế suất bằng 0% vào năm 2018 (đạt tỉ lệ nội khối trên 40%)  không nhiều. Có thể kể ra một số mẫu xe như Ford Everest, Toyota Fortuner, Toyota Yarris, Honda Civic, Suzuki Ertiga… Để đẩy được sản lượng và giữ thị phần trước đối thủ, tất cả các doanh nghiệp ô tô buộc phải thực hiện chiến lược giảm giá. Năm 2017 thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự giảm giá lên tới 260 triệu của Wolkswagen Touareg, giảm 206 triệu đồng của Mazda CX-5 2.0L, giảm 192 triệu đồng với Honda Accord, giảm 164 triệu đồng với Land Cruiser Prado TX-L…

Kinh doanh sụt giảm, thua lỗ, thậm chí là phá sản đang trở thành màu xám chủ đạo trên thị trường ô tô từ đầu năm tới nay. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô đang gặp khó khăn khi phải vừa bảo đảm doanh thu, vừa phải duy trì được lợi nhuận. Trong quý II/2018, Savico, đơn vị chuyên phân phối cho các hãng Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford hay Volvo, ghi nhận mức lỗ 10 tỷ đồng ở mảng kinh doanh chính. Ô tô Hàng Xanh lỗ kinh doanh hơn 14 tỷ đồng. City Ford lỗ 8 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của Ô tô Trường Hải sụt giảm 14%, lợi nhuận ròng sụt giảm đến 50%. Mặc dù doanh thu tiêu thụ xe tăng mạnh nhưng lợi nhuận của Công ty cổ phần City Auto - nhà phân phối xe Ford City Auto - trong quý III vừa qua lại khiến giới đầu tư khá thất vọng (cổ phiếu của công ty bị giảm mất 50% chỉ trong 1 tháng, tương đương với 250 tỷ đồng vốn hóa bị "bay hơi").

Cuộc đua giảm giá còn khiến lượng xe tồn kho cao. Một số doanh nghiệp ô tô cho biết lượng xe tồn năm 2017 có thể gấp từ 2 đến 3 lần lượng tồn kho năm 2016. Trên thị trường, những mẫu xe giảm giá mạnh nhất hiện nay chủ yếu là hàng tồn kho, ế ẩm không bán được.

Doanh nghiệp ô tô: Lao đao trước giờ G? - ảnh 3
 

Toyota: một tháng hai lần giảm giá. Ảnh: Internet

Các doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa có thể phải bỏ cuộc chơi trước những quy định ngặt nghèo đối với ngành mình. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc đã phân tích khá rạch ròi những thách thức lớn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể vượt qua khi nhập khẩu ô tô từ Mỹ, châu Âu, Trung Đông và cả ASEAN. Theo ông Tuấn: Các xe nhập từ Mỹ và châu Âu thường là dòng cao cấp, có dung tích xi lanh trên 3.0L (thuộc diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt) nên giá sẽ tăng cao. Với xe nhập khẩu từ khu vực Trung Đông, ngoài việc phải chịu thuế nhập khẩu cao, còn phải chịu quy định ngặt nghèo về đăng kiểm. Kể cả thuế suất giảm về 0% thì nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về cũng rất khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do không thể ký hợp đồng mua xe từ chính hãng, phải qua trung gian, vì vậy rất khó xin được chứng nhận xuất xứ Form D (đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối trên 40%) để hưởng ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, muốn mua ô tô tay lái thuận tại các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia… thì phải đặt hàng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đặt hàng với số lượng ít, phải qua trung gian nên giá từ đó bị đội lên, không thể cạnh tranh được trong cuộc đua giảm giá mạnh hơn ngay sau thềm năm mới.

Hơn 21.600 doanh nghiệp ô tô, xe máy phá sản, chết "lâm sàng" trong 8 tháng đầu năm 2017 mà Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là con số đáng buồn. Tỉ lệ phá sản của doanh nghiệp ô tô, xe máy cao nhất từ trước đến nay, với hơn 2.900 doanh nghiệp, chiếm gần 40% tổng số doanh nghiệp bị phá sản.

Phát triển sang lĩnh vực khác, ví như Trường Hải tham gia vào mảng bất động sản với dự án hoành tráng Sala Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) hay Savico đang lựa chọn đối tác có năng lực để tham gia phát triển khu phức hợp tại lô đất vàng 66-68 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), liệu có phải là một giải pháp tình thế để doanh nghiệp có thể trụ vững trong giai đoạn này?