Doanh nghiệp ở TP.HCM cần đảm bảo những điều kiện gì nếu muốn duy trì hoạt động sau ngày 15/7?
Đảm bảo 2 phương án chống dịch để doanh nghiệp tiếp tục được hoạt động
Ngày 13/7, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các doanh nghiệp về việc dừng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đáp ứng được yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo UBND TP.HCM, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và qua công tác sàng lọc, tầm soát, truy vết cho thấy số lượng ca nhiễm là công nhân ở các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi ở của công nhân đang phân tán rộng khắp địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Từ ngày 15/7, các doanh nghiệp ở TP.HCM chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng được các điều kiện phòng, chống dịch
Do đó, để thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân là trên hết, UBND TP.HCM cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục được hoạt động nếu đảm bảo được 1 trong 2 trường hợp sau:
Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ ": sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo đủ 1 trong 2 yêu cầu nêu trên thì tạm dừng hoạt động, thời gian dừng hoạt động từ 00 giờ ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.
UBND TP.HCM cũng giao cho Sở Y tế TP.HCM chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch thì mới cho phép hoạt động; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất: Hình mẫu nhìn từ Bắc Ninh
Là 1 tỉnh cũng phải gánh chịu những tác động nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Bắc Ninh có mật độ dân số cao (gấp 5 lần trung bình cả nước), tập trung nhiều khu công nghiệp với khoảng 330.000 công nhân đến từ nhiều địa phương. Công nhân sống xen lẫn trong cộng đồng dân cư nên tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh lây lan từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại.
Không để bị động trước dịch bệnh ngay từ khi chưa có dịch, tỉnh Bắc Ninh đã sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó. Khi xuất hiện những ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên, Bắc Ninh nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, nhất là triển khai nhanh các biện pháp khẩn cấp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách, cách ly xã hội.
Song song với đó để thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, Bắc Ninh đã kịp thời đưa ra giải pháp sáng tạo “chưa từng có tiền lệ” là triển khai cho người lao động lưu trú và làm việc tại nhà máy.
Một công ty ở Bắc Ninh tổ chức cho công nhân ăn ở ngay tại nhà máy trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại địa phương
Nhờ đó mà tỉnh này đến nay cơ bản đã khống chế được dịch, đồng thời cũng không để đại dịch làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh, trong lúc dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở tỉnh, tại các KCN đã có 779 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cho công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy, với gần 123.000 lao động.
Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh, nhờ thực hiện giải pháp cho công nhân lao động lưu trú và làm việc tại nhà máy, Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Bắc Ninh (KCN VSIP), doanh nghiệp của Nhật Bản, chuyên sản xuất bao bì cao cấp đã duy trì liên tục hoạt động sản xuất.
Công ty này đã thuê nhà nghỉ, khách sạn cho 288 người lao động lưu trú và có xe đưa đón đảm bảo quy định; hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ 3 bữa/ngày, tăng khẩu phần ăn, bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch và hiệu suất làm việc. Nhờ vậy mà công ty đã duy trì tốt hoạt động sản xuất, đạt sản lượng khoảng 90% so với khi chưa có dịch, đáp ứng được nhu cầu của các đối tác.
Nhờ sự chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, tính đến hết tháng 6 kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng 7,5%; dư nợ tín dụng tăng 20,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,1%... Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, tinh thần tương thân tương ái, vượt khó chống dịch COVID-19 được lan tỏa rộng rãi.
H.A
Xem thêm: Bắc Ninh `mở cửa` đón người lao động ngoại tỉnh làm việc, bao gồm cả Bắc Giang