Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh

Ngọc Quỳnh 14:02 | 29/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều đánh giá cao tiến trình phục hồi đang không ngừng được thúc đẩy. Thị trường đã có nhiều tín hiệu khả quan. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang định hình lại.

Sáng 29/11 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và những vấn đề pháp lý cần lưu ý".

Sự kiện được tổ chức nhằm đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thích ứng với dịch COVID–19. Qua đó, giúp doanh nghiệp nhận diện rõ thách thức trong bối cảnh “sống chung với đại dịch”; Phân tích và nắm bắt các giải pháp, thực thi về chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh và tái cấu trúc; Đồng thời, tiếp cận các phương án phục hồi thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó giúp doanh nghiệp nhận diện những rủi ro pháp lý và các điểm cần lưu ý về hợp đồng khi thiết lập các giao dịch mới sau mùa dịch.

Việt Nam chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN  

Theo ông Lộc, với tâm thế xác định sống chung với dịch bệnh, mở cửa để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nền kinh tế là lựa chọn không thể nào khác, các lãnh đạo doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) hay các doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao tiến trình phục hồi đang không ngừng được thúc đẩy tại Việt Nam. Thị trường và nhu cầu tiêu dùng bắt đầu có nhiều tín hiệu khả quan. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trong quá trình định hình lại.

Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu các nhà đầu tư và đang là một sự lựa chọn của họ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư ở thời gian tới. Chính vì thế, các gói hỗ trợ mới , kích thích nền kinh tế cần được được thúc đẩy để nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các giải pháp xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng cần được triển khai để làm bệ đỡ và tăng nội lực cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô và nguy cơ tăng lạm phát; tình trạng cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, chắc chắn phần thắng sẽ chỉ thuộc về những người nhanh chân; về những doanh nghiệp nào nỗ lực vượt bậc, không ngừng đổi mới và chấp nhận thay đổi.

"Chúng ta cần hiểu một điều chắc chắn rằng, sự phục hồi đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái ở thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch, mà các doanh nghiệp, nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh của dịch bệnh", ông Lộc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễ ra toàn cầu, Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai một số đối sách như: cắt giảm chi phí như “ngủ đông” hoặc chỉ giữ lại những phần quan trọng nhất để hoạt động như nhân sự. Các doanh nghiệp cũng đã tính tới việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức tương tác mới với nhân viên, khách hàng, thị trường (nhờ công nghệ số); đồng thời, lập “phòng tác chiến” xử lý nhanh.

Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: "Chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và những vấn đề pháp lý cần lưu ý". Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, nghiên cứu việc chuyển đổi sản phẩm: nhu cầu thị trường (mặt hàng thiết yếu…); gắn với xu thế tiêu dùng và ứng xử linh hoạt thị trường/đối tác: tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện để khai thác thị trường trong nước nhằm duy trì quan hệ vàtìm hiểu đối tác, thị trường mới.

Các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh liên kết để xây dựng quan hệ cho việc trả chậm; chia sẻ đơn hàng; hàng đổi hàng.... đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ từ phái Nhà nước để tiếp cận các gói hỗ trợ và đầu tư phát triển hạ tầng.

Để có thể nhanh chóng phục hồi, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh, Chính phủ cần có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với thời gian đủ dài từ năm 2022 đến năm 2023, với quy mô đủ lớn và diện đủ rộng cả về kiểm soát dịch và năng lực y tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và phát triển hạ tầng; đồng thời, chú trọng tới một số ngành/lĩnh vực có mức độ thiệt hại lớn, có đóng góp trực tiếp và có sức lan tỏa khi phục hồi.

Theo ông Thành, nếu xác định sẽ tăng chi, bội chi ngân sách và vay; đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên và sử dụng một phần nào đó dự trữ ngoại hối để tạo nguồn lực thông qua việc cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp... có thể giúp tăng 1% GDP cho nền kinh tế, tương đương với 3,5 tỷ USD thì thực sự cần sự đồng hành vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội; đặc biệt, cải thiện nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội; sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành từ Trung ương tới các địa phương  trong việc thực thi các giải pháp quản trị rủi ro, đánh giá tác động...

Cũng tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam đã có những nhận định về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự cần thiết chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, theo đó nhấn mạnh, chuyển đổi số là con đường tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Hoa cũng chia sẻ về các bước chuyển đổi số và cách thức chuyển đổi số hiệu quả; đồng thời, khuyến nghị về phương án phục hồi thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đối tác và hệ sinh thái chuyển đổi số...