Doanh nghiệp than khó, đề xuất được tiêm vaccine tập trung, giãn nợ

07:07 | 08/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và đề xuất cần được gia hạn khoản vay và tiêm vaccine tập trung trong buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương.

Ngày 7/8, một số hiệp hội, ngành hàng tại TP.HCM đã có buổi làm việc trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA) chia sẻ, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang nằm trong các khu vực phong tỏa theo quy định của Thành phố nên hoạt động sản xuất, nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, FFA kiến nghị được các ngân hàng giãn nợ vì điều này không gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng do lãi suất doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ.

FFA cũng đề xuất Bộ Cương Thương hỗ trợ trong xúc tiến thương mại bởi dù doanh nghiệp đang nỗ lực cố gắng nhưng vẫn khó tiếp cận được thị trường vì các nước đang đóng cửa do dịch kéo dài.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh kiến nghị ngân hàng, các tổ chức tài chính Nhà nước cần giãn nợ từ 3-6 tháng cho các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp vì dòng tiền đang rất chậm, thậm chí đứt gãy. Bênh cạnh đó, địa phương cần cho phép các doanh nghiệp, Hiệp hội phối hợp với tổ chức y tế tư nhân có chứng chỉ hành nghề được phép tổ chức triển khai tiêm từ nguồn vaccine của nhà nước.

Doanh nghiệp than khó, đề xuất được tiêm vaccine tập trung, giãn nợ - ảnh 1

Doanh nghiệp dệt may mong muốn được tiêm vaccine đồng loạt. Ảnh Vietnamnet. 

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần tiêm đồng loạt vaccine cho người lao động. Bởi hội đã phát động phương án "3 tại chỗ" nhưng chỉ có 35% doanh nghiệp thực hiện được. Trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề tinh thần của người lao động, xuất hiện F0 trong nhà máy.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất cho doanh nghiệp tự test COVID-19tại chỗ thay vì phải qua các cơ sở y tế.

Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cho rằng, các kiến nghị về gia hạn thuế, gia hạn khoản vay ngân hàng, Tổ công tác đặc biệt đề nghị các hiệp hội, ngành hàng gửi nhanh kiến nghị cho Tổ công tác đặc biệt ngay hôm nay để có cơ sở gửi lên Bộ Công Thương.

Đối với kiến nghị được tự test nhanh COVID-19, điều phối đơn hàng đang còn dang dở cho doanh nghiệp ngoài khu vực TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đặc biệt sẽ làm việc với những đơn vị liên quan để sớm có trả lời.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, trước đó, 4 hiệp hội gồm: Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) có văn bản kiến nghị "Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu".

Theo văn bản của 4 hiệp hội, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam, 4 hiệp hội kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Các Hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ 1 tập đoàn tại UAE và kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm với đối tác hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Xét kiến nghị trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 đã giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân.

Trước hình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song hiện nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang rất khó khăn do không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng, không được cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03, ảnh hưởng đến việc phân loại nhóm nợ. Các ngân  hàng không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng vì vướng quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 03, nợ xấu có xu hướng tăng cao.

Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp các ý kiến phản ánh đề nghị NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 03 và có các giải pháp hỗ trợ ngân hàng phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biễn hết sức phức tạp hiện nay.

Minh Anh