Doanh nghiệp than khó tiếp cận nguồn vốn xanh: 'Nhiều chi phí, có khi vượt cả lãi ngân hàng'
DOANH NGHIỆP ĐÃ BẮT NHỊP SẢN XUẤT XANH
Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng ngày 10/9, ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.
Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng.
Trước bối cảnh trên, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt nhịp sản xuất xanh. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã thay đổi từ việc sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất sang sử dụng chất đốt sinh thái như trấu, vỏ điều, viên nén mùn cưa...; hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, xây dựng dây chuyền sản xuất đá thiêu kết theo tiêu chí nhà máy xanh, với số vốn đầu tư gấp 4 lần theo tiêu chuẩn cũ...
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Lân đánh giá, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp, hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm, vì vậy, làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ và các lĩnh vực ưu tiên, giảm động lực của doanh nghiệp và những cá nhân muốn tham gia vào các sáng kiến xanh, dẫn đến chậm trễ trong việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh, hằng năm, mỗi doanh nghiệp yêu cầu quy mô vốn đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của doanh nghiệp.
“TIỀN SẴN, NHƯNG CẦN RẤT NHIỀU TIÊU CHÍ ĐỂ TIẾP CẬN, LÃI THẬM CHÍ CAO HƠN CÁC NGÂN HÀNG TRONG NƯỚC”
Tại diễn đàn, các chuyên gia phân tích, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước dẫn tới việc thiếu cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Nhiều quy định hướng dẫn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, kế hoạch hành động, khuyến khích phát triển tín dụng xanh, các khách hàng thuộc đối tượng cấp vốn tín dụng xanh sẽ được ưu đãi về chính sách tín dụng, đặc biệt là chính sách lãi suất. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về việc hỗ trợ ưu đãi lãi suất và thời hạn đối với các khoản vay này.
Hệ thống văn bản mới chú trọng đến yếu tố môi trường, mà chưa được cụ thể hóa các yếu tố mang tính ràng buộc, đặc biệt là sự ràng buộc về yếu tố xã hội và quản trị…
Kết quả, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, tuy nhiên, lượng trái phiếu xanh phát hành còn hạn chế, vì thị trường vẫn đang trong giai đoạn mới và chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Thực tế gặp khó khăn khi tiếp cận dòng vốn xanh trong quá trình vận hành doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững CTCP Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ với phóng viên: “Nhu cầu tài chính xanh để doanh nghiệp đầu tư là rất lớn, thế nhưng quá trình tiếp cận lại gặp nhiều khó khăn.
Về mặt chính sách, chúng tôi bám vào các quy định, văn bản để tìm ra được ngành nghề, lĩnh vực nào nhà nước đang ưu tiên thì sẽ bám sát vào đó. Ví dụ, khi chúng tôi phát triển khu công nghiệp sinh thái mà thấy rằng Nhà nước có những chính sách ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo thì DEEP C ngay lập tức (có thể nói là doanh nghiệp đầu tiên ở thành phố Hải Phòng) triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, với chúng tôi thì thời điểm đấy là rất khó, bởi quy định chỉ cho công suất dưới 1MW, thậm chí là dự án của chúng tôi tại thời điểm đó nộp hồ sơ sinh là chỉ xin 0,963 MW thôi, không dám xin lên 1MW.
Hoặc như hiện tại, hạn ngạch cho Hải Phòng là hơn 100 MW thì bản thân DEEP C đã nộp hồ sơ đăng ký thì đã hơn 100 MW rồi. UBND Hải Phòng nói ngay là doanh nghiệp không được xin nhiều như vậy. Đó là những ví dụ thực tế khi chúng tôi tập trung phát triển các dự án xanh và hy vọng tìm được các nguồn hỗ trợ tài chính”.
Bên cạnh đó là những khó khăn, thử thách khi đi xin vốn. Theo chị Hoàn, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tiếp cận được thông tin về các tổ chức cấp tín dụng tranh rất khó. Nhưng đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, phần chìm là rất nhiều chi phí khác.
“Ví dụ như khi nộp hồ sơ xin vốn ưu đãi cho dự án điện trời áp mái thì chúng tôi đã được một quỹ hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chúng tôi rất hoan hỉ đi đến gặp họ với mong muốn mức thuế suất ưu đãi chỉ khoảng 3%. Nhưng thực sự khi đến gặp thì mới biết ngoài lãi suất 3% ưu đãi đó còn phải trả cả phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ,... Cộng tất cả các loại phí vào thì thậm chí còn cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại. Nên thực tế hiện nay DEEP C đang vay của Vietcombank hơn là các quỹ hay tổ chức khác”, đại diện khu công nghiệp DEEP C nói.
Ngoài các vấn đề trên, các tiêu chí của dự án xanh cũng chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Hiện nay đã có bản dự thảo nhưng chưa ban hành chính thức với các tổ chức tín dụng khác nhau. Khi chúng tôi đến mỗi một nơi họ lại đưa ra một cách tiêu chí đánh giá khác nhau nên cũng rất khó để chúng tôi biết được cái nào là dự án xanh để xin cấp vốn. Ngoài ra là các vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo khi các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng, hay các yêu cầu về quy mô dự án, rủi ro chênh lệch tỷ giá…”, chị Hoàn nói thêm.
Về phía quỹ đầu tư xanh, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ chia sẻ: “Bản thân tôi đặc biệt quan tâm đến ngành nông nghiệp của Việt Nam và một trong những định hướng chính của quỹ A+ là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp xanh đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta biết rằng, 80% dân số Việt Nam vẫn làm nông nghiệp. Sở hữu lợi thế về tài nguyên, nhân công, lại được “trời thương” với điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng đứng thứ hai trên thế giới như gạo, cà phê, tiêu, tôm…
Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta mới xuất khẩu dưới dạng hàng thô. Do đó, tôi hy vọng rằng với sự hỗ trợ Quỹ A+, các doanh nghiệp đầu ngành, các doanh nghiệp tâm huyết có thể tăng trưởng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng nguyên phẩm và hướng tới xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến ra nước ngoài. Nhìn chung, các tiêu chí về xanh, tuần hoàn, quản trị, minh bạch luôn nằm trong danh mục tiêu chí đánh giá các khoản đầu tư tiềm năng của chúng tôi”.
Khi vận hành quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam, một trong những thách thức chính là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về tiêu chí “xanh” trong ngành nghề của mình. Hiện nay, các quỹ đầu tư đều có bộ tiêu chí riêng, mang đến đa dạng sự lựa chọn, cả cho quỹ đầu tư và doanh nghiệp. Để có thể kết nối và nhận được đầu tư từ các quỹ, các doanh nghiệp cần xác định rõ lộ trình phát triển cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chí của các quỹ trước khi hợp tác.
NHỮNG ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TỪ DOANH NGHIỆP VÀ CÁC QUỸ TÍN DỤNG XANH
Từ thực tế khó khăn của chính doanh nghiệp, bàDiệp Thị Kim Hoàn đề xuất cần phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản.
Đồng thời, tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, IFC hoặc ADB…
Về phía quỹ đầu tư, ông Quan Đức Hoàng nhấn mạnh, các quỹ đầu tư luôn luôn đi theo xu hướng của thị trường, và do đó ưu tiên hàng đầu là hợp tác với các doanh nghiệp tốt. Xanh hóa hay chuyển đổi số là một trong số nhiều tiêu chí khác nhau các quỹ dùng để đánh giá một doanh nghiệp tốt và cho thấy họ sẵn sàng thay đổi về mặt quản trị. Trên thực tế, khi doanh nghiệp tiếp cận với các quỹ, rất có thể các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đưa ra định hướng hoặc nhìn nhận một số vấn đề ở khía cạnh rất khác so với chủ doanh nghiệp. Lúc này, 2 bên cần có sự trao đổi, bàn bạc về phương thức thay đổi (nếu cần) để đi đến quyết định đầu tư.
Tại diễn đàn, ông Hoàng chia sẻ “Về dài hạn, tôi nghĩ thị trường tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Càng nhiều quỹ xanh tham gia, thị trường càng phát triển mạnh mẽ. Chợ càng đông thì càng vui. Mong rằng sẽ có nhiều quỹ xanh về Việt Nam, cùng chúng tôi khai thác thị trường và giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Theo tôi, để nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình trước khi tìm đến các quỹ tài chính xanh. Họ cần hiểu tại sao quỹ cần mình và tại sao mình cần quỹ, cũng như lợi thế cạnh tranh của mình là gì. Không phải doanh nghiệp cứ “làm xanh” là được đầu tư, vì trong kinh doanh cốt lõi vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ có thể mang lại lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội".
Theo ông Hoàng, hiện tại, A+ Advisor là công ty chuyên thu xếp các khoản vay quốc tế cho doanh nghiệp và ngân hàng, tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn quốc tế cũng không hề đơn giản. Hiện tại, Quỹ A+ đang làm việc với một số quỹ lớn và họ thường nhắm tới các dự án có giá trị tối thiểu là 50 triệu USD. Như vậy, ông Hoàng nhấn mạnh, “tiền đang rất sẵn, quan trọng là làm thế nào để tiếp cận”.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lê Hoàng Lân gợi ý 3 nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính:
Đầu tiên, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh. Sớm xây dựng có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước.
Mặt khác, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. Tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.
Tiếp đó, đối với nhóm trái phiếu xanh, cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá một cách minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh.
Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán cần xây dựng lộ trình hoàn chỉnh và thống nhất cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, các bước chuẩn bị cho việc phát hành, nguyên tắc phát hành, cách hạch toán, thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn và sử dụng nguồn thu từ việc phát hành. Nâng cao năng lực để phát triển sàn giao dịch trái phiếu xanh.
Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cần đề ra chính sách ưu đãi nhất định nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh, trong khi mức thuế đánh trên các công cụ nợ cao hơn có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu.
Cuối cùng, xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050. Để huy động được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức tín dụng tham gia vào tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam phải khuyến khích thúc đẩy môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chủ yếu gây phát thải như: năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn, doanh nghiệp có áp dụng quy trình tái chế trong quá trình sản xuất, bao gồm: nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu trong sản xuất, sản phẩm đầu ra có khả năng tái chế tuần hoàn.
Xây dựng các nhóm ngành khuyến khích, ưu đãi đầu tư như: các ngành sản xuất năng lượng tái tạo mới; nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng hydro sạch; giao thông vận tải xanh và logistic xanh; nghiên cứu ứng dụng các ngành sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông vận tải; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ lưu trữ carbon; nghiên cứu ứng dụng các ngành sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sinh khối…