Doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA

14:21 | 04/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo Nghị định là doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA.

Doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA - ảnh 1
Doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA. Nguồn: Internet. 
Tham gia với tư cách một bên góp vốn

Theo dự thảo Nghị định, khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và phần vốn này tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước.

Cụ thể, Điều 9, dự thảo Nghị định quy định các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân gồm: Tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng; vốn ODA, vốn vay ưu đãi tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP có sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng; tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.

Dự thảo Nghị định đưa ra quy trình 7 bước quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và lựa chọn đề xuất chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình dự án; đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn; quản lý thực hiện chương trình dự án và hoàn thành, chuyển giao kết quả thực hiện chương trình, dự án.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi như: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng KT-XH; sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP); hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển KT-XH và tăng cường thể chế quản lý nhà nước…

Công tác vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện thông qua đối thoại chính sách phát triển với các nhà tài trợ nước ngoài căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; Chỉ tiêu an toàn nợ công; Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; Chương trình quản lý nợ công 03 năm; Định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quy hoạch phát triển của cả nước, của bộ, ngành, lĩnh vực và của địa phương.

Công khai, minh bạch nguồn vốn vay ODA

Báo Giao thông dẫn lời của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Quy định cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong dự thảo Nghị định do Bộ KH&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến là nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà tài trợ vốn nước ngoài”.

Trước đây, 65-75% nguồn vốn ODA của các tổ chức nước ngoài dành cho Việt Nam được chuyển cho các doanh nghiệp Nhà nước. Bây giờ, các tổ chức nước ngoài muốn chúng ta phải đấu thầu bình đẳng các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Đây là chủ trương rất đúng đắn để công khai, minh bạch nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.

"Để tránh tình trạng “sân sau”, dự thảo Nghị định, Bộ KH&ĐT cần phải xây dựng và công bố công khai thời gian quy định đấu thầu, các tiêu chí, nội dung cụ thể khi tiến hành đấu thầu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được những doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chạy cửa trước, luồn cửa sau”, ông Doanh thẳng thắn.

Trao đổi với Báo giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16 về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có quy định cho phép khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 26/2016 chỉ có những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực đầu tư thủy điện có thể tiếp cận được nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, còn lại những doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực khác, trong đó có hạ tầng giao thông không thể tiếp cận được với các nguồn vốn này.

Dự thảo Nghị định của Bộ KH&ĐT đang được đưa ra lấy ý kiến có nhiều quy định mới, tích cực để khu vực tư nhân, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận được với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi

"Tư nhân được vay vốn ODA, vốn ưu đãi và tự chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao, bởi bộ máy không cồng kềnh, quan liêu. Khu vực tư nhân được tiếp cận và vay được vốn ODA, vốn ưu đãi để làm các dự án PPP giao thông sẽ là một kênh huy động vốn rất hiệu quả vì lãi suất thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp được lựa chọn vay vốn phải có tâm, có tầm và có khả năng trả nợ cho các tổ chức nước ngoài, dứt khoát không để tình trạng “một vài con sâu làm rầu nồi canh”, ông Khôi chia sẻ.

Cẩn trọng với yêu cầu khắt khe của nhà tài trợ

Trước đó, tại phiên giải trình hôm 30/1/2018 về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, vốn vay ODA là cần thiết trong điều kiện đất nước cần vốn để đầu tư phát triển: "So với các khoản vay khác từ thị trường tài chính, vay ODA vẫn có lợi vì lãi suất thấp, thời hạn cho vay và ân hạn tương đối dài. Bên đi vay, cho vay đều có mục tiêu nên việc kiểm soát, đánh giá hiệu quả có thể tốt hơn. Đó là ưu điểm của vay ODA". Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mặt trái của ODA là điều kiện cho vay của nhà tài trợ khá khắt khe, thậm chí có những quy định nhằm tạo lợi thế cho nhà đầu tư, nhà thầu của họ. 

Việt Nam bắt đầu vay vốn viện trợ từ các định chế tài chính đa phương và song phương từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Canada... từ năm 1993.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1993 đến ngày 31/12/2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi. Trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, chương trình; các địa phương có khoảng 1197 dự án, còn lại là của các ngân hàng, Đài truyền hình Việt Nam…

Bộ Giao thông vận tải dẫn đầu với khoảng 288 dự án, tại Bộ Công Thương có 152 dự án, chương trình vay vốn ODA. Các bộ còn lại như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 272 dự án và chương trình; Bộ Y tế có 132 dự án và chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 51 dự án, chương trình…

Tháng tháng 7/2017 Ngân hàng Thế giới tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi cho Việt Nam, thay vào đó các khoản vay sau này là các khoản vay ưu đãi với mức lãi suất cao hơn.

Trước khi dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ra đời, doanh nghiệp tư nhân được xem là vay vốn ODA khó như “đường lên trời”.

Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được vay ODA chính là Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Phát, với vốn vay 319 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi 9,6%/năm trong thời hạn 15 năm) từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây cũng chính là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho dự án tái tạo và sử dụng  năng lượng hiệu quả.