Doanh nghiệp ứng phó, thích nghi với thiếu điện sản xuất
Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Dẫn chứng là trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Trong hơn hai tuần qua, thiếu điện làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, các lĩnh vực, ngành nghề. Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA cho biết, từ đầu tháng 5, doanh nghiệp đã bị cắt điện và nhiều nhất là vào đầu tháng 6 này. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của doanh nghiệp.
Cụ thể, khi dây chuyền máy móc đang vận hành, nếu mất điện mọi thiết bị sẽ bị dừng đột ngột, khiến như phôi, lưỡi dao, máy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, chất lượng không đảm bảo, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, uy tín với khách hàng... Thiếu điện sản xuất còn làm đội chi phí sản xuất, số lượng đơn hàng không đúng hẹn dẫn đến bị hủy đơn hàng, ông Nguyễn Thành Luật chia sẻ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc công ty cơ khí chính xác Hà Nội CNC (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), việc mất điện đang tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường vốn không thuận lợi. Mất điện đột xuất hoặc báo trước nhưng không kịp thời, khiến doanh nghiệp bị động, khó hoàn thành được đơn hàng đúng hạn, mất uy tín với khách.
Ông Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Nam Bình cho hay, mất điện đang chồng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn muốn gượng dậy sau bệnh dịch. Để nâng cao năng lực sản xuất, doanh nghiệp đã hiện đại hóa nhà máy nên 90% dây chuyền sử dụng điện năng. Việc cúp điện thời gian qua khiến năng lực sản xuất của doanh nghiệp giảm xuống 40%. Mất điện cũng khiến các chi phí khác của doanh nghiệp tăng đột ngột. Công nhân phải nghỉ giữa ca sản xuất trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, sắp xếp tăng ca làm trái giờ dẫn đến chi phí nhân công tăng- ông Phạm Minh Nam chia sẻ.
Việc cắt điện không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, mà cả các doanh nghiệp thương mại dịch vụ cũng ảnh hưởng không kém. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông tập đoàn Central Retail cho biết, từ đầu mùa hè, Điện lực quận Cầu Giấy, Hà Nội đã 2 lần cắt điện tại trung tâm thương mại Big C Thăng Long. Lý do cắt điện là "để giảm tải trong khoảng 2 tiếng".
Việc cắt điện đã dẫn tới Big C phải sử dụng hệ thống máy phát điện và phải cắt giảm hệ thống điều hòa trong phần lớn khu vực của trung tâm thương mại, và thậm chí tắt các hệ thống lò nướng bánh mỳ, lò nướng gà. Điều này ảnh hưởng tới sản xuất và kinh doanh của siêu thị.
Trung tâm thương mại AEON Long Biên cũng bị cắt điện 2 lần trong những ngày đầu tháng 6. Đại diện doanh nghiệp cho biết, khi mất điện, máy phát sẽ hoạt động để duy trì hệ thống tủ lạnh, tủ đông, chiếu sáng, thu ngân tại khu vực siêu thị. Tuy nhiên tại khu vực trung tâm thương mại, do lượng điện không đủ, một số gian hàng cũng phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hệ thống điều hòa cũng không duy trì như bình thường.
Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, trước mắt các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ tập trung vào cắt giảm, tiết kiệm năng lượng, sắp xếp lại sản xuất cũng như tìm sự chia sẻ từ các bạn hàng. Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA cho biết, để thích nghi với tình trạng này, công ty đã phải cắt giảm công suất sản xuất. Cụ thể, trước đây nếu như dây chuyền sản xuất của nhà máy chạy hết công suất có thể vượt quá sản lượng lên tới 120%, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay công ty chỉ dám nhận đơn hàng khoảng 80% do máy móc không thể vận hành tối ưu vì lượng điện không đủ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc công ty cơ khí chính xác Hà Nội CNC (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) bày tỏ, doanh nghiệp đang hạn chế thấp nhất việc sử dụng điện trong nhà máy; điều chỉnh lịch làm việc của người lao động nhằm khắc phục và duy trì phần nào hoạt động sản xuất; xin kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng trong phạm vi cho phép.
Đối với Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Nam Bình cũng đang tìm phương án xếp ca kíp luân phiên, cắt giảm một số khâu từ máy móc sang làm thủ công.
Theo ông Trương Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, trong tình trạng thiếu điện như hiện nay các doanh nghiệp cũng đã khắc phục khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp đang chật vật tìm đơn hàng duy sản xuất đã khó nay lại vướng mắc vào việc thiếu nguồn năng lượng điện phục vụ cho sản xuất, cắt điện đột ngột làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp cũng mong muốn kiến nghị với các cơ quan Chính phủ cố gắng đảm bảo nguồn năng lượng điện cho sản xuất, trong trường hợp bất khả kháng cần thông báo trước cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động được sản xuất sao cho có hiệu quả. Vì doanh nghiệp đã rất khó khăn trong việc tìm đơn hàng và nay lại càng khó khăn để duy trì sản xuất, duy trì đơn hàng và sự tin tưởng của khách hàng.