Doanh nghiệp vận tải kêu cứu, lãi ngân hàng 'siết vòng kim cô'

11:54 | 22/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả đoàn xe tấp vào bến, bãi “đắp chiếu” nằm chờ....ngày lăn bánh trở lại, chỉ có lãi suất ngân hàng vẫn cứ “chạy” đều đặn, hàng loạt doanh nghiệp vận tải tại Thanh Hóa cần gấp “phao cứu sinh”.

Ám ảnh tiếng chuông tin nhắn

Tiếng chuông báo có tin nhắn mới kêu “teng, teng” khiến ông Đoàn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Vận tải và Du lịch Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa) giật thót mình, ông vội vớ lấy chiếc kính lão dày cộp để trên bàn làm việc rồi đeo vào, chăm chú đọc từng dòng tin. Đọc xong ông thở dài, nói với tôi: “Tin nhắn từ phần mềm của Bộ Y tế, ngày nào số ca nhiễm cũng tăng nhanh như này thì nguy quá! Đợt này tôi bị ám ảnh với chuông tin nhắn. Bởi tin nhắn bây giờ có 2 loại, một loại thông tin số ca nhiễm covid mới, tiếp đến là tin nhắn thông báo đến hạn trả lãi”.

Công ty Vận tải và Du lịch Thanh Hoa của ông Thanh Hóa đóng tại xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa với thâm niên gần 20 năm. Trước đây, công ty có 4 – 5 xe vận tải hành khách vào các tỉnh phía Nam, nhưng sau khi có Cảng hàng không Thọ Xuân mở ra, khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ hàng không, thay vì đi xe khách như xưa. Lượng khách giảm rất nhiều so với trước. Các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn dần chuyển lộ trình kinh doanh.

Doanh nghiệp vận tải kêu cứu, lãi ngân hàng 'siết vòng kim cô' - ảnh 1

Bến xe khách nội tỉnh Thanh Hóa vắng tanh giữa đại dịch Covid - 19

Công ty của ông Thanh cũng vậy, năm 2018 ông Thanh bán thanh lý một loạt xe cũ, cùng với số tiền bán xe ông Thanh vay thêm ngân hàng để đầu tư thêm một loạt loại xe Limousine (loại xe du lịch cao cấp chở từ 7 – 12 người) để bắt kịp với thời cuộc. Bởi xu hướng thị trường mấy năm gần đây, khách hàng thích sử dụng dịch vụ xe này vì nhiều tiện ích. Nhưng cái giá bỏ ra để sắm về mỗi chiếc xe này cũng ngót 1,3 tỷ. Nặng vốn đầu tư nên ông Thanh đành cầm cố sổ đỏ, nhà cửa để vay mượn. Hơn 1 năm đầu tiên, với lộ trình sang chạy Thanh Hóa – Hà Nội nên lượng khách đều, hàng tháng công ty thuận lợi chi trả các khoản tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Bước sang đầu năm 2020, dịch Covid – 19 xuất hiện lượng khách bắt đầu giảm hẳn so với trước, kéo theo doanh thu giảm. Thời điểm đó giá xăng dầu giảm mạnh và tình hình dịch chưa bùng phát mạnh như hiện tại, dù lượng khách giảm nhưng xe vẫn chạy, doanh thu tuy ít vẫn đủ  trang trải những chi phí hàng ngày. Còn đến thời điểm hiện tại cả dàn xe dừng lăn bánh, đồng nghĩa với với việc công ty không có doanh thu.

Tiền lương cho người lao động, tiền thuê trụ sở, địa điểm dừng đỗ, bến bãi đậu xe,...đó là những khoản chi cố định công ty vẫn phải lo, nhưng nặng gánh nhất là khoản tiền trả lãi ngân hàng. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, nhưng thực tế để nhận được rất khó khăn. Năm ngoái, khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ, tôi loai hoai làm đủ các hồ sơ, thủ tục nộp lên ngân hàng để mong giải quyết một phần nào đó lúc khó khăn. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn bặt, vô âm tín, không biết đợt này sẽ thế nào?” ông Thanh trăn trở nói.

“Phao cứu sinh”

Qua tìm hiểu của phóng viên, thời điểm hiện tại rất nhiều các bến xe, doanh nghiệp vận tải Thanh Hóa đều trong tình trạng thu không đủ chi, phải bù lỗ. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cầm cự, các nhà xe cho biết cũng chưa nghĩ ra cách gì vì hiện nay tình hình dịch, bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp vận tải đa số đều thực hiện giải pháp là cắt giảm lao động, dừng hoặc giảm chuyến, tuyến không cần thiết, tuyến quá ít khách.

Theo thống kê của Sở GTVT Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 750 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với gần 5.000 phương tiện. Trong đó, có 78 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định với 685 xe, 700 tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh, 654 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng với 1665 xe, 5 đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt với 195 xe, hoạt động trên 13 tuyến, 13 đơn vị vận tải hành khách bằng xe taxi với 2.453 xe.

Qua nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, đơn vị, quản lý bến xe khách thì sản lượng vận tải hành khách so với thời điểm trước khi có dịch bùng phát trở lại ngày 27/4 thì giảm mạnh. Xe tuyến cố định liên tỉnh giảm trên 90%, xe tuyến cố dịnh nội tỉnh giảm 60 – 70%, xe taxi giảm từ 55 – 65%, xe hợp đồng giảm từ 60 – 80%.

Cũng theo thống kê của Công ty cổ phần quản lý Bến xe khách phía Tây, từ giữa tháng 4/2021 đến nay lượng khách chỉ đạt khoảng từ 30 đến 40%, có thời điểm chỉ 20%. Nếu duy trì vận chuyển hằng ngày thì nguồn thu từ tiền vé đã không đủ bù các chi phí như nhiên liệu, tiền lương, khấu hao xe… Trong khi đó, các nhà xe cơ bản đều vay vốn để đầu tư nên còn phải “cõng” thêm lãi suất.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Thanh Hóa phân tích, DN vận tải sẽ không dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này. Bởi theo Nghị quyết 68, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch.

Đồng thời người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Doanh nghiệp vận tải phải vay vốn tới 60-70%, trong mấy đợt dịch covid vừa rồi bị ảnh hưởng nặng, xảy ra nợ xấu là đương nhiên. Thanh hóa không phải tâm dịch, nhưng đều giãn cách để chống dịch, phương tiện của Thanh Hóa chủ yếu vận chuyển tuyến Hà Nội, Sài Gòn, Bắc Giang, Bắc Ninh những địa phương đó bị hết rồi, xe không đi nên đắp đống ở nhà, tình hình này mà không xét cho doanh nghiệp thì dễ dẫn đến phá sản.

Doanh nghiệp vận tải kêu cứu, lãi ngân hàng 'siết vòng kim cô' - ảnh 2

Ông Vũ Minh Thuận – Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Thanh Hóa) trao đổi với phóng viên về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Để hiểu rõ hơn về những chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch Covid, sáng ngày 21/7 phóng viên đã làm việc với ông Vũ Minh Thuận – Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Thanh Hóa). Ông Thuận cho biết, ngày 24/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 47/2021/TT – BTC quy định mức thu môt số khaonr phí, lệ phí nhằm hỗ trựo, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Trong đó giảm phi sử dụng đường bộ thu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải. Sở GTVT Thanh Hóa đã triển khai để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh được biết và thực hiện.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 68/NQ – CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19. Tỉnh Thanh Hóa đã hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 68 của Chính phủ.

Tiếp đến, trao đổi với phóng viên ông Vương Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, “Vừa qua phía Sở tiếp nhận những đề xuất từ phía doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, sau đó chúng tôi làm việc với các đơn vị liên quan là Sở LĐTB&XH, Cục Thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội để từ đó đưa ra mưu cho tỉnh phương án hỗ trợ doanh nghiệp vận tải. Hỗ trợ thiết thực nhất cho các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn này, vẫn là chính sách giãn nợ của ngân hàng cho các doanh nghiệp vận tải để doanh nghiệp có thời gian vượt qua khó khăn, mới có điều kiện để hoạt động trở lại”.

Nguyễn Thuấn – Trọng Hải