Doanh nghiệp vận tải kỳ vọng thêm dư địa phát triển
Nhiên liệu, đặc biệt là xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong cấu thành kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải. Với dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp lĩnh vực này đang kỳ vọng có thêm dư địa phát triển.
Theo Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Lương Hoài Nam, hiện quy định kinh doanh xăng dầu không có nội dung áp dụng cho xăng dầu hàng không. Những quy định về quản lý giá, bình ổn giá đang áp dụng cho các loại xăng RON 95, 92, dầu diezel. Trong khi xăng dầu phi hàng không có rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối thì đối với xăng dầu hàng không chỉ có hai nhà cung cấp. Đây là điểm cần sửa đổi về quản lý giá xăng dầu theo quy định để có sự hợp lý trong tiếp cận xăng dầu dân dụng bình thường và xăng dầu hàng không.
Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, đối với hàng không, chi phí xăng dầu đang là cao nhất. Đáng chú ý, trên đường bay nội địa, chi phí xăng dầu cao hơn các chi phí còn lại và đây là khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không.
Chi phí nhiên liệu đang là nỗi lo của các doanh nghiệp, không chỉ riêng với Bamboo Airway. Nhìn vào kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines quý II/2024, giá nhiên liệu đang ở mức cao, bình quân 102,14 USD/thùng, tăng 30,3% so với năm 2019 khiến chi phí của Vietnam Airlines phát sinh thêm gần 2.500 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông trước đó, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết: Với sản lượng khai thác như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng sẽ làm chi phí khai thác của Vietnam Airlines thay đổi khoảng 230 tỷ đồng/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.
Đại diện Vietnam Airlines nhận định: Những tháng cuối năm, một trong những vấn đề tồn tại sẽ tác động đến môi trường kinh doanh vẫn là giá nhiên liệu ở mức cao.
Không chỉ vận tải hàng không, vận tải đường bộ, đường thủy cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh xăng dầu. Riêng với đường bộ, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm từ 35 - 40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%.
Anh Huỳnh Công Minh, nhà xe Minh Công chia sẻ, thời điểm giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng, nhà xe buộc phải tăng cước vận tải nhằm tăng cước doanh thu. Không riêng mảng vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng đã phải tăng chi phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường nhận định: Xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất. Vận chuyển hàng hóa cũng làm cho chi phí tăng, tác động đến đời sống người mua hàng hóa. Đầu vào của sản xuất cũng sẽ tác động tới giá thành của các doanh nghiệp. Quy định hiện hành còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới.
Về phía Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương), Phó cục trưởng Phạm Văn Bình cũng khẳng định: Trong quy định điều hành giá xăng dầu 7 ngày hiện nay có cập nhật thông tin giá thế giới và các yếu tố cấu thành giá. Với diễn biến đó, yếu tố tác động lớn là giá xăng dầu thế giới chiếm 65 - 70% công thức tính giá cơ sở và riêng tháng 7 vừa qua cũng có những biến động liên tục.
Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP đang được Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi có những nội dung mới về công thức và cơ chế định giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu và một số vấn đề khác.
Dưới góc nhìn của chuyên gia Ngô Trí Long, tác động đến giá xăng dầu có rất nhiều yếu tố, trước tiên là quan hệ cung cầu. Thời gian qua, vấn đề địa chính trị dẫn đến giá dầu thế giới diễn biến một cách hết sức phức tạp, khó lường và làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vận tải biến động tăng cao, khó lường, thất thường.... Do vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi các nội dung về kinh doanh xăng dầu và ban hành nghị định mới là cần thiết.
Về quản lý xăng dầu, Tổng giám đốc Bamboo Airways đề xuất quản lý giá xăng dầu hàng không cần được đưa vào nghị định mới để bảo đảm sự nhất quán đối với các loại xăng dầu; trong đó có xăng dầu hàng không. Bên cạnh đó, cần đưa quy định và cách hiểu các sản phẩm phái sinh về xăng dầu để làm sao các doanh nghiệp, từ kinh doanh xăng dầu đến sử dụng xăng dầu có nền tảng pháp lý rõ ràng, đặc biệt an toàn để sử dụng các nghiệp vụ phái sinh cho việc bình ổn chi phí hoạt động.
Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển hiệu quả, minh bạch, bền vững của thị trường xăng dầu, chuyên gia Hoàng Văn Cường cho rằng cần xem xét hoàn thiện cơ chế, chính sách bình ổn xăng dầu.
"Để có được nguồn dự trữ đủ sức mạnh nên kèm theo các cơ chế như các công ty kinh doanh chuyển về các kho để dự trữ, kể cả các kho vận quốc tế, đấy là các yêu tố vô cùng quan trọng để chúng ta đảm bảo được an ninh năng lượng", vị chuyên gia này nói.
Hiện Bộ Công Thương đã tiến hành dự thảo lần thứ 3 đối với nghị định thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và đang trình Bộ Tư pháp để thẩm định, nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách về kinh doanh xăng dầu theo hướng phù hợp điều kiện thực tế, bảo đảm phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu thời gian tới.