Doanh nghiệp vẫn thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ mình
20:25 | 18/11/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - 20 năm qua, Luật Doanh nghiệp đã tác động đến sự thay đổi về quyền tự do kinh doanh, góp phần thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Nhằm đánh giá, tổng kết 20 năm thi hành Luật Doanh nghiệp để nhận diện các vấn đề cần tiếp tục cải cách, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách”.
Năm 1999 Luật Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở hợp nhất hai đạo Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 đã tạo lập ra một khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường, tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp (DN). Luật Doanh nghiệp ra đời nhằm đảm, bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với DN; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp. Sau 20 năm, cùng với những biến đổi từ thực tế, Luật Doanh nghiệp đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005, 2014) và hiện nay đang tiếp tục được lấy ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Nhìn nhận về Luật Doanh nghiệp sau 20 năm hình thành, phát triển và sửa đổi, luật sư Nguyễn Quang Hưng, Văn phòng luật sư NQ Hưng và cộng sự cho rằng: Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, 2014 thực sự là một bước đột phá về thủ tục hành chính cấp phép thành lập và hoạt động của DN và mô hình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Đơn cử như trước năm 2000 (năm có hiệu lực Luật Doanh nghiệp 1999), việc thành lập 1 công ty hay 1 DN tư nhân phải kéo dài trung bình từ 3-6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm với số lượng giấy tờ cần phải chuẩn bị khá nhiều (như: Đơn, Phương án kinh doanh ban đầu, Điều lệ, bản giải trình về biện pháp bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch, xác nhận của ngân hàng về vốn điều lệ, biên bản họp bầu người quản lý dự kiến, bằng cấp chuyên môn của người quản lý…). Tuy nhiên, sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, DN chỉ mất từ 4-6 tuần để xin phép thành lập DN với thành phần hồ sơ đơn giản hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” cũng được Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện tại các cơ quan hành chính của địa phương. Chính nhờ những thay đổi tích cực đó mà số lượng DN được thành lập trong giai đoạn 2000-2002 gần bằng số lượng doanh nghiệp được thành lập trong 9 năm trước đó (giai đoạn 1991-1999).
Không chỉ dừng lại ở đó, Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014 tiếp tục cải cách các quy định liên quan đến thủ tục hành chính để người dân, DN thuận tiện trong việc gia nhập thị trường, hợp nhất mã số DN với mã số thuế, xây dựng cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, hủy bỏ yêu cầu về thông báo mở cửa văn phòng, đơn giản hóa chế định về “con dấu” của DN… Điều đáng chú ý, việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2005 đã tạo ra một điểm nhấn về áp dụng thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh trên môi trường điện tử.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết: Luật Doanh nghiệp đã tạo ra sự công bằng trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, luật vẫn chưa bắt kịp với kinh tế số cũng như quyền tự do kinh doanh vẫn còn bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp. Áp lực cải cách đối với Nhà nước là rất lớn nhưng dư địa đến với các DN vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cụ thể, về giảm chi phí tuân thủ, mặc dù có giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao (qua điều tra và báo cáo PCI hằng năm). Bởi giảm chi phí tuân thủ vẫn chủ yếu theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp giảm một cách có hệ thống chi phí tuân thủ.
Còn về an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh, so với trước đây đã có nhiều cả thiện nhưng việc từ việc thu thập thông tin, cách thức soạn thảo, thực thi pháp luật đặc biệt từ khảo sát thực tế… thì đầu tư kinh doanh vẫn chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp. Bởi không tiên liệu trước được trong tuân thủ; tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức; rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng, không đoán định được.
Thêm vào đó, ông Cung cho rằng, hiện nay công tác hậu kiểm còn chưa rõ ràng, việc này được hiểu là kinh doanh trước rồi kiểm tra sau, nhưng hiểu như thế là sai. Bởi việc thiết kế hậu kiểm là kiểm tra dựa trên mức độ rủi ro, sự an toàn, quản lý chỉ tập trung vào đối tượng nghi ngờ vi phạm cao, với xã hội lớn thì tập trung vào đó, còn lại thì giúp đỡ hỗ trợ các DN tuân thủ luật pháp.
Mặt khác, ông Cung nhìn nhận, việc thanh tra kiểm tra có thể giết chết DN chưa đáng “chết”, làm mất mát lớn không đáng có đối với DN. Từ đó, có thể thấy DN vẫn còn thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của chính mình là các thiết chế bảo vệ quyền được tự do kinh doanh.
Do đó, ông Cung kiến nghị, quá trình soạn thảo phải có nghiên cứu và đánh giá, liên tục có báo cáo và thực thi cải cách trên thực tế. Đồng thời cải cách Luật Doanh nghiệp phải đồng hành và kết hợp với cải cách, thay đổi (theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp), cải cách hệ thống tòa án… thì mới tạo ra hệ thống thể chế thân thiện thị trường, vì DN và thúc đẩy phát triển. Trong luật này cần tập trung nhiều hơn vào thực thi quản trị công ty, nhất là DNNN và các công ty niêm yết.