'Doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán với các FDI'
"Ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn có vị thế nhất định trên trường thế giới. Tuy nhiên, trong 'đường cong nụ cười' của chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn đang ở vùng đáy, tập trung vào sản xuất và chưa tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao hơn như logistics thu mua, logistics phân phối…"
Đây là khẳng định của bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) tại phiên thảo luận thuộc "Diễn đàn Kinh doanh 2024: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 26/6.
Cũng theo bà Hương, tính kết nối của doanh nghiệp nội với các nhà sản xuất FDI chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả.
Chia sẻ từ góc độ người trong cuộc, bà Hương cho biết, ngành công nghiệp Việt Nam có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu cả nước. Trong vòng 10 năm, xuất khẩu điện tử chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo.
Mặc dù năm 2023 đã chứng kiến sự suy giảm xuất khẩu điện tử, tuy nhiên, quý I/2024 ngành điện tử đã chứng kiến sự phục hồi, chiếm giá trị trên 30% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, với xuất siêu 4,2 tỷ USD. Nhập khẩu vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc do quốc gia này vẫn là “vựa nguyên liệu” lớn của thế giới.
Doanh nghiệp Việt luôn ở thế bị động trong hợp tác với FDI
Phó Chủ tịch VASI nhấn mạnh Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI và hình thành chuỗi cung ứng, bởi những yếu tố như khung pháp lý và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, song để phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói chung và điện tử nói riêng thì vẫn còn nhiều thách thức.
"Một số lợi thế đang dần trở thành thách thức của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: Nguồn lao động không còn dồi dào; tác động từ các Hiệp định thương mại thương mại tự do thế hệ mới gây sức ép về sản xuất xanh, sạch hay các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU ngày càng gia tăng các quy định khó khăn, tạo rào cản cho doanh nghiệp", bà Hương liệt kê.
Theo bà, xu hướng toàn cầu chuyển đổi xanh, sạch là cơ hội cho các doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi chưa đủ nguồn lực.
Một thách thức nữa là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu các nguyên liệu tinh từ nước ngoài. Đây là lý do khiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp của Việt Nam còn thấp. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử lớn, nhưng lợi nhuận từ gia công là thấp. Việc gia công sản xuất điện tử chủ yếu đến từ các nhà sản xuất linh kiện lớn.
"Trong khi đó, tính kết nối của doanh nghiệp nội với các nhà sản xuất FDI chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả. Nhiều chính sách của Chính phủ vẫn chưa đi sâu vào với doanh nghiệp" bà Hương cho biết và kiến nghị Chính phủ cần có quy định khuyến khích chế biến chế tạo sâu để tạo sự bứt phá trong ngành chế biến chế tạo.
Tăng cường chính sách bảo vệ nền sản xuất trong nước
Bà Hương nhấn mạnh để các doanh nghiệp có thể vươn lên, tham gia mạnh hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp cần thấy hết khó khăn, tận dụng tối đa các cơ hội, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, dự án quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách khiến ngành công nghiệp khó phát triển.
Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ và chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả cũng như, chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu là những nhược điểm đối với sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam.
Ông cho rằng các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt. Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ. Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ nhất, tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.
Thứ hai, xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs.
Thứ ba, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Thứ tư, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.