Doanh nghiệp vượt Covid-19: Môi trường kinh doanh là yếu tố tiên quyết!

11:15 | 30/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong tháng 7/2021, số lượng doanh nghiệp đăng kí mới giảm mạnh do tác động của dịch Covid – 19, rất cần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để phục hồi niềm tin của doanh nghiệp.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn sách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm tương ứng 25,3% và giảm 48,7%.

Trong 7 tháng của năm 2021, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.065,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%.

Doanh nghiệp vượt Covid-19: Môi trường kinh doanh là yếu tố tiên quyết! - ảnh 1

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù giảm mạnh trong tháng 7 song số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước với 75,8 nghìn doanh nghiệp. Nhờ đó, 1,065 triệu tỷ đồng sẽ được bổ sung vào nền kinh tế trong thời gian tới.

Nếu tính cả 1,367 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2,432 triệu tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 lên 105,4 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020,

Trong đó, gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020. Mức giảm này là mạnh nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2021 tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Trước đó, vốn FDI đăng ký sáu tháng giảm 2,6%, trong khi năm tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rất cần có một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo nhất là các giải pháp hỗ trợ về vốn và dòng tiền có thể phần nào giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Song về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh lành mạnh mới là yếu tố cốt lõi tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi.

Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định lệ phí môn bài.

Theo quy định, doanh nghiệp thành lập mới sau khi Nghị định này có hiệu lực sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần cắt giảm chi phí, thời gian và thủ tục khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tăng cường triển khai thực hiện liên thông điện tử giữa các cơ quan nhà nước và áp dụng thực hiện đăng ký trực tuyến tại một đầu mối sẽ tiếp tục giúp giảm mạnh thời gian và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp so với quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí thực hiện, thuận lợi để khởi sự kinh doanh.

Hùng Dân

 

 Xem thêm: doanh-nghiep-dang-chet-dan-chet-mon-vi-dai-dich