Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi muốn bày tỏ với các doanh nhân suy nghĩ của mình. Đó là lúc khó, chúng ta phải cố gắng vượt khó, không bỏ cuộc. Sau cơn mưa trời lại sáng.

Tính từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước có khoảng trên dưới 100.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp phá sản. Con số này và chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2021 âm 6,17% đã cho chúng ta thấy mức độ “tàn khốc” của đại dịch.

Việc TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố Miền Nam phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt trong suốt thời gian dài đã làm cho hoạt động kinh tế - xã hội đình trệ, chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hoá bị đứt gãy, các doanh nghiệp bị tê liệt.

Thực trạng cả trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường không chỉ tác động lớn đến chính các chủ doanh nghiệp, đến cộng đồng doanh nghiệp, mà khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của hàng triệu lao động khi họ mất việc làm, không có thu nhập, đối diện với cuộc sống vô cùng khó khăn.

Có thể thấy, chúng ta vừa trải qua 2 tuần lễ chứng kiến dòng người di chuyển khỏi trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Miền Đông Nam Bộ về các tỉnh Miền Tây, Tây Nguyên và trở lại Miền Bắc. Đó là hình ảnh mang lại cho mỗi người VN chúng ta nhiều cảm xúc nhất, để chúng ta thấy mức độ khó khăn, những bi kịch mà đại dịch Covid-19 gây ra cho đất nước mình. Chưa hết, doanh nghiệp không hoạt động được cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến đầu tư công và nhiều vấn đề khác nữa.

Ảnh hưởng của đại dịch cũng chừa bất cứ ai. Thời gian giãn cách nghiêm ngặt thì người lao động cũng phải tạm thời nghỉ việc, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của họ. Cá nhân tôi, Trần Liên Hưng là một doanh nghiệp rất nhỏ, chúng tôi không phải là doanh nghiệp sản xuất nên ảnh hưởng cũng không quá lớn, may mắn là chúng tôi chưa lâm vào cảnh phải nợ nần, không phải rút khỏi thị trường nên sau khi nới giãn cách chúng tôi sẽ hoạt động trở lại ngay.

Nhưng, trong hoàn cảnh dịch bệnh như vậy có muốn sống nhanh cũng không được. Tôi là người thích giao du bạn bè nên thời gian giãn cách quá lâu cũng bị stress như nhiều người khác, có cảm giác bức bối, chồn chân khi mình không được đi lại, không được làm việc như bình thường.

Chính vì vậy đây là khoảng thời gian tôi phải sống chậm, tập thiền trong suy nghĩ, dành thời gian để suy tư về các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh sau đại dịch. Với xã hội thì tôi vẫn như trước đây thôi, tôi cố gắng làm những gì hữu ích nhất mà mình có thể làm được cho cộng đồng, cụ thể là tôi đã cố gắng dành một khoản kinh phí để mua lương thực hỗ trợ người khó khăn. 

Tôi là một Phật tử, bao năm nay tôi thường đi lễ chùa, thăm các nhà sư. Tôi quen biết và được nhiều hoà thượng từ Bắc đến Nam luôn sẵn lòng đàm đạo, chỉ giáo cho tôi những điều hay của Phật. Tôi đã đọc sách Phật giáo từ lâu, thường suy nghĩ về những điều các bậc chân tu giảng giải.

Đạo phật giúp tôi hướng đến những điều từ - bi – hỷ - xả, biết sống thế nào là đủ, là vừa, biết buông bỏ… Hành trình đến với phật học là hành trình hướng đến niềm tin về cái thiện, biết tu, biết thiền để làm một bông hoa sen toả hương giữa đời thường.

Phật không có dạy doanh nhân triết lý kinh doanh, nhưng học Phật để biết rằng dù có làm việc gì trên đời này cũng phải hướng về điều tốt đẹp.

Lâu nay, nhiều người nói tôi là một người thành công. Nhưng thành công ở việc gì hay thành công ở lĩnh vực nào là hai phạm trù khác nhau.

Về kinh doanh thì tôi kinh doanh nhỏ, tự hài lòng với công việc của mình, công việc có thể nuôi mình sống và giúp chút ít cho xã hội.

Về chính trị thì tôi từng là ĐBQH, nhiều năm làm đại biểu HĐND, tôi nói lên tiếng nói của cô bác cử tri, cũng được nhiều người quý mến, cũng có người không hài lòng. Tôi không nghĩ là mình thành công, nhưng tôi tự biết bằng lòng với những gì mình làm được.

TS Trần Khắc Tâm nói rằng: "Phật không có dạy doanh nhân triết lý kinh doanh, nhưng học Phật để biết rằng dù có làm việc gì trên đời này cũng phải hướng về điều tốt đẹp".

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi muốn bày tỏ với các doanh nhân suy nghĩ của mình. Đó là lúc khó, chúng ta phải cố gắng vượt khó, không bỏ cuộc. Tài sản quan trọng nhất của các doanh nhân là kinh nghiệm và thị trường. Họ có niềm đam mê, có trí tuệ. Do đó khi dịch bệnh được khống chế, tỉ lệ tiêm vaccine cao lên, xã hội bước vào trạng thái bình thường trở lại, thì công việc đầu tư kinh doanh, sản xuất sẽ lập tức hồi phục thôi. Và, doanh nhân phải thay đổi, nhanh chóng thích ứng với mọi nghịch cảnh.

Về những kiến nghị chính sách thì thông qua các tổ chức hiệp hội, chúng tôi đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai, tới đây Quốc hội họp chắc chắn sẽ có thêm những chính sách kích thích kinh tế. Về mặt cá nhân thì như trên đã nói, tôi là chủ một doanh nghiệp rất nhỏ, không thể có “tư cách” đưa ra thông điệp với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mà trong số đó có rất nhiều anh, chị là bậc thầy của mình. Nếu có điều gì muốn bày tỏ, thì tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, vào lúc này, đồng cam cộng khổ, đoàn kết vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ là sang năm 2022, các hoạt động kinh tế sẽ sôi động trở lại.

Tôi rất ấn tượng với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt các doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng nói rằng: “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”. 

Quan sát từ đợt bùng phát dịch lần 1 đến nay tôi thấy rằng, trong đại dịch mới thấy Đảng, Chính phủ quan tâm đến sức khỏe người dân và hỗ trợ đội ngũ doanh nhân sát sao như thế nào. 

 

Doanh nhân Trần Khắc Tâm là tiến sĩ kinh tế, hiện đang là Chủ tịch HĐTV Công ty Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI. TS Trần Khắc Tâm là Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng các khóa XVIII, IX, X.

 

Bài viết: Doanh nhân Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII
Đồ họa: Việt Hân