Doanh nhân Thu Thủy: Đưa check-in leo núi vào Farmstay Mộc Châu và khát vọng chia sẻ
Phát triển Farmstay hữu cơ chuẩn quốc tế
Kể về chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua của mình, mới thấy sự lựa chọn chị là khách mời của Unessco Việt Nam với tư cách là một doanh nhân khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp sạch, bảo vệ làng nghề truyền thống không chỉ là một cơ duyên.
Nhưng điều đó là chưa thể dừng lại với một người trẻ, đầy năng động, nhiệt huyết, khao khát và sẵn sàng hòa nhập trong một nền kinh tế chia sẻ như chị. Trong chuyến đi ấy, chị đã mang theo sản phẩm làng nghề truyền thống của nhiều bạn trẻ trong những câu lạc bộ làng nghề truyền thống, câu lạc bộ nông nghiệp sạch mà chị đã tham gia. Và cũng trong chuyến đi ấy, chị mở rộng tầm nhìn sang một thị trường châu Âu mà càng bản sắc, đảm bảo chất lượng, sản phẩm của Việt Nam càng có sức tiêu thụ mạnh trên thế giới. Sản phẩm du lịch cũng như vậy, nếu mô hình Farmstay hữu cơ tại Mộc Châu của chị tạo thêm sự độc đáo, chị sẽ kéo được nhiều hơn khách du lịch châu Âu về với trang trại của mình.
Ý tưởng đưa check-in leo núi vào du lịch Farmstay Mộc Châu của chị chính là câu chuyện đằng sau chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ. Những kết nối, chia sẻ, mong muốn trong chuyến đi cùng với sự tham gia nhiệt tình của chị tại câu lạc bộ làng nghề truyền thống tại phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (khu vực Hồ Tây) đã tạo sự tin tưởng cao của Unesco Việt Nam. Tổ chức này đã chọn chị làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ làng nghề quốc tế (Câu lạc bộ dự kiến ra mắt vào tháng 5/2019).
Doanh nhân Thu Thủy tâm sự: “Chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã giúp tôi mở rộng tầm mắt, tìm cơ hội để phát triển thị trường. Nếu làm du lịch bình thường thì chỉ làm Farmstay thôi, nhưng bây giờ mình muốn phát triển Farmstay theo đúng chuẩn quốc tế, và đúng mục đích kết nối toàn cầu. Có được du lịch trải nghiệm Farmstay đúng với bản sắc văn hóa của đồng bào H'Mông, điều không thể thiếu là hoạt động trải nghiệm leo núi. Không gì hấp dẫn, thư thái hơn nếu khách du lịch có cơ hội hòa mình vào khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi trùng điệp. Farmstay Mộc Châu của chúng tôi đang bắt đầu cho dự án check-in leo núi này. Thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này đến Hà Giang”.
“Mình không chỉ dừng lại những hoạt động riêng về du lịch. Mình sẵn sàng làm cầu nối cho sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam tới thị trường châu Âu, trước nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Czech”, doanh nhân Thu Thủy chia sẻ.
Chị rất đau đáu với lời của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Lê Phú Cường nói với chị trong chuyến đi vừa qua. Đó là, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều nước châu Âu là một thị trường rất tiềm năng cho hàng nông sản Việt, chỉ cần kết nối tốt hơn, sản phẩm của Việt Nam đạt chuẩn là không lo vấn đề giải cứu nông sản, vốn năm nào cũng diễn ra tại Việt Nam.
Doanh nhân Thu Thủy cũng vừa có dịp làm việc với người quản lý Chợ Sa Pa tại Czech. Chợ Sa Pa sẵn sàng mở cửa với sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nông sản sạch.
Đề xuất xin Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) - thành viên của VCIC quốc tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ - để khôi phục giống gạo bản địa Tẻ Nương tại Mộc Châu, Sơn La của chị cũng là mong muốn gạo bản địa Tẻ Nương sẽ xuất sang châu Âu và phục vụ du khách châu Âu khi họ sang Việt Nam trải nghiệm Farmstay.
Những hoạt động tưởng như không liên quan đến nhau trên lại được doanh nhân Thu Thủy xem là mô hình hợp lý mà chị đang theo đuổi. Đó là càng tham gia sâu vào nền kinh tế chia sẻ, người trẻ càng thành công.
Không có chuyến đi 0 đồng mà đi phải kết nối rộng
Thừa nhận mỗi chuyến đi xa, ra nước ngoài hoặc đến các vùng miền trên cả nước đều là trải nghiệm quý báu để hoàn thiện ý tưởng kinh doanh cho mình “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhưng doanh nhân Thu Thủy cũng thừa nhận không có chuyến đi nào là 0 đồng cả.
Những chuyến đi nước ngoài, ngoài phần tài trợ có được từ một số tổ chức quốc tế, một số công ty lớn, bản thân chị cũng phải đầu tư không ít cho những chi phí phát sinh, những khổ công khi không ngần ngại mang sản phẩm của mình và của các bạn trẻ khởi nghiệp đi giới thiệu.
Điều này cũng giống như trong quá trình thực hiện dự án xây dựng mô hình Farmstay tại Mộc Châu, chị gặp biết bao khó khăn, từ thiếu kinh nghiệm, lặn lội học hỏi kinh nghiệm đến cả thời tiết không chiều lòng người.
Chuyến đi Hy Lạp và Pháp sắp tới của chị để tham dự hội buổi triển lãm thương mại chiến lược của ngành rượu vang Pháp, khám phá vẻ đẹp cổ kính của Hy Lạp cũng như tìm hiểu thị trường tại đây, doanh nhân Thu Thủy không chỉ quảng bá du lịch Farmstay tại Mộc Châu của mình mà còn mang theo nhiều sản phẩm ẩm thực làng nghề truyền thống Việt.
Chị đã và đang làm theo quan điểm kinh doanh của mình: “Làm Farmstay cũng như tham gia các hoạt động lưu giữ làng nghề truyền thống không thể cảm hứng nhất thời và đi một mình được, bởi như thế sẽ không thể đi nhanh hoặc đi xa. Đã đi là phải kết nối rộng”.