"Doanh nhân tư nhân ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong các tổ chức hội"
Vai trò của doanh nhân tư nhân trong mô hình các tổ chức hội
- Ông có thể cho biết vai trò của doanh nhân tư nhân ở các tổ chức hội trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay?
Đầu tiên chúng ta cần hiểu đơn giản doanh nhân là người làm kinh doanh, quản lý, quản trị. Doanh nhân là một nghề như bao nghề khác trong xã hội. Thế nhưng, nghề doanh nhân đặc biệt ở chỗ là có khả năng tạo ra được lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp, giải quyết được nhiều công ăn việc làm và đóng góp được nhiều hơn về mặt kinh tế cho xã hội… Chúng ta có thể thấy rõ hơn sự đặc biệt này khi doanh nhân thành công, khẳng định uy tín.
Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trước năm 1991 (khi Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật Công ty năm 1990 chưa có hiệu lực) thì chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp. Hiện nay, với gần 900.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh, theo đó, số lượng doanh nhân tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh lên đến hàng triệu người.
Những năm gần đây, mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng trên 40% GDP, thu hút khoảng 80% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...
Trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo AI, doanh nhân tư nhân lại là lực lượng tiên phong trong việc thích nghi, đổi mới, sáng tạo, bởi hơn ai hết họ là lực lượng đầu tiên chịu tác động, định hình lại các hình thái kinh doanh theo hướng ngày một thông minh và tiến bộ hơn. Nhu cầu xã hội đưa ra các đòi hỏi mới, doanh nghiệp, doanh nhân thích ứng và đặt ra yêu cầu, đóng góp vào sự cải tiến hoàn thiện môi trường kinh doanh và nhận được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Hơn hết, tôi muốn nhấn mạnh là đội ngũ doanh nhân tư nhân là đội ngũ trí thức yêu nước, tôn trọng thể chế và luôn mạnh dạn “hiến kế” với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm thể hiện mong muốn có một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Đây cũng chính là cơ hội lịch sử để cộng đồng doanh nhân Việt Nam chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh và tạo sức bật mới.
- Hiện không ít doanh nhân ngoài việc phát triển doanh nghiệp của mình thì đã tham gia sinh hoạt cũng như đóng góp tích cực cho hội, hiệp hội. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò cùng trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trong mô hình các tổ chức hội hiện nay?
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội các loại hình hội, hiệp hội, câu lạc bộ… đã được hình thành từ thế kỷ thứ X dưới dạng các phường hội, hội quán… của những người làm cùng ngành nghề, cùng nguồn gốc, cùng lợi ích kinh tế.
Ở Việt Nam thì theo thống kê sơ bộ từ Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), hiện nay cả nước có khoảng 800 hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân có quy mô, địa bàn hoạt động từ cấp tỉnh trở lên.
100% địa phương có Hội doanh nghiệp cấp tỉnh, 53/63 địa phương có hiệp hội doanh nghiệp có tên gọi và giữ vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của địa phương.
Như vậy có thể thấy, cộng đồng doanh nhân có nhu cầu gặp gỡ, giao thương, chia sẻ thông tin kiến thức, đoàn kết và hỗ trợ cùng nhau phát triển. Xã hội nào cũng vậy đều có đa dạng các loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chúng ta có thể xem hình tượng các hội như những lũy tre, với nhiều cây lớn to khỏe, cây nhỏ dẻo dai và cả búp măng, trồi nhú. Lớn nhỏ cùng nương tựa, cùng phát triển mà tạo thành cộng đồng, thành lũy vững chắc.
Một doanh nghiệp đứng một mình thì tiếng nói chỉ đại diện cho 1 cá nhân, 1 tổ chức, nhưng khi đã vào hiệp hội với hàng trăm, hàng nghìn hội viên thì ý kiến đúng đắn sẽ được cộng hưởng, mang đến sức mạnh, có thể tác động vào thị trường, vào chính sách điều hành và mang tính phản biện xã hội rất lớn.
Một doanh nhân khi tham gia sinh hoạt trong một tổ chức hội thì phải ý thức được vai trò là không chỉ đại diện cho doanh nghiệp của mình mà còn đại diện cho cả một cộng đồng doanh nhân, đại diện cho văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, môi trường kinh doanh Việt Nam, đại diện doanh nhân Việt kết nối toàn cầu. Đội ngũ doanh nhân cần có tầm nhìn, trí tuệ, lòng mong muốn phụng sự xã hội, làm giàu chính đáng, thượng tôn pháp luật, năng lực quản trị tiên tiến, ý thức bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm lớn nhất của một doanh nhân trong mô hình hội theo tôi đó là các hành động đóng góp ý kiến, hiến kế, phản biện chính sách để từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, thông thoáng hơn, hữu ích hơn, đóng góp xứng đáng vào sự tiến bộ chung của đất nước.
Cần có cơ chế, chính sách đột phá phát triển doanh nghiệp tư nhân
- Với những khó khăn hiện nay, giới doanh nhân tư nhân cần được hỗ trợ gì để phát huy tốt vai trò của mình thưa ông?
Theo cá nhân tôi đánh giá, Nhà nước cần có thêm những hỗ trợ gì để các hội doanh nghiệp, hội ngành nghề có thể phát huy xứng đáng với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư coi “kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của kinh tế”.
Kế thừa các đại hội trước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới. Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế.
Do đó, nếu có một kiến nghị để hỗ trợ cho các hội doanh nghiệp, hội ngành nghề, tôi xin kiến nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành cần chủ động tiếp cận trực tiếp các hội, hiệp hội nhiều hơn nữa, lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe sâu hơn, tiếp thu kể cả các ý kiến có phần gai góc và phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển bằng lương tri cũng như sự rung cảm của một con người làm vai trò của quản lý nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Trước khi ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 10/10/2023 - đúng vào dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết này thêm một lần nữa khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển. Trong đó, mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.