Doanh nhân Việt kiều muốn đưa công nghệ cao Israel về phát triển nông nghiệp: Cần thay đổi nhận thức lãnh đạo địa phương, nông dân và cách đầu tư của doanh nghiệp

Nhật Tân 17:00 | 16/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với khát vọng đưa công nghệ cao của Israel về giúp nông nghiệp nước nhà cất cánh, tại “Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp”, tối 14/2, doanh nhân Việt kiều Hồng Shurany cho rằng: Cần thay đổi nhận thức lãnh đạo địa phương, nông dân và cách đầu tư của doanh nghiệp.
Doanh nhân Việt kiều Hồng Shurany. Nguồn: danviet.vn.

“Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp” là diễn đàn đầu tiên của ngành nông nghiệp với đội ngũ kiều bào đang đầu tư trong và ngoài nước.

Góp mặt tại Diễn đàn cùng 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nhân Việt Kiều Trương Thị Hồng (Hồng Shurany), Giám đốc Công ty phát triển dịch vụ du lịch Travel Vietnam with Hong (TVWH) đã hiến kế nhiều giải pháp nhằm góp phần đưa kinh tế nông nghiệp Việt cất cánh.

Mọi công dân Israel phải học làm nông nghiệp công nghệ cao

Doanh nhân Việt kiều Hồng Shurany chia sẻ, bà cùng cộng sự đã nghiên cứu kỹ về tiềm năng phát triển cũng như dư địa của nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, công ty của bà cũng đang phối hợp với doanh nghiệp địa phương Viện khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên Việt Nam trong việc nhân giống cây bơ Hass Israel và đã trồng cây bơ Hass ở các tỉnh Tây Nguyên.

Qua thực tiễn đó, bà Hồng Shurany khẳng định, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất là điều tất yếu và là yếu tố sống còn để nông sản Việt bước ra sân chơi thế giới.

"Chúng tôi chọn nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp của Israel để đưa vào Việt Nam bởi điều kiện phát triển nông nghiệp Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Israel đã là nước có nền nông nghiệp công nghệ cao, được khẳng định và thừa nhận trên toàn thế giới. Tôi muốn đưa nền nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào Việt Nam cùng những sản phẩm công nghệ phục vụ cho nông nghiệp,… phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam"” bà Hồng Shurany bày tỏ.

Theo doanh nhân Việt Kiều Hồng Shurany, nông nghiệp Israel tiến bộ và phát triển là kết quả của một chương trình giáo dục dài hơi, làm việc nghiêm túc và không ngừng sáng tạo. Tất cả các công dân Israel đều phải học làm nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, Nhà nước Israel hoạch định chiến lược và luôn đồng hành cùng người dân. Ví dụ, ở một kibut (trang trại ở Israel), Nhà nước nghiên cứu giống, phân, nước, thuốc bảo vệ thực vật… và cử các nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư… luôn bám sát ở kibut, farm… để nắm bắt , tìm kiếm giải pháp, chia sẻ, cung cấp thông tin… cho người dân. Các kibut, farm được yên tâm lao động và phát triển nông nghiệp.

Cần lập quỹ đầu tư, tranh thủ marketing quốc tế tìm công nghệ và thị trường xuất khẩu từ Việt kiều

Với khát vọng đưa công nghệ cao của Israel về giúp nông nghiệp nước nhà cất cánh, bà Hồng Shurany hiến kế 7 giải pháp.

Theo đó, Việt Nam cần thực hiện tốt, an toàn 3 chiến dịch liên quan đến thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu các thị trường nông sản tạo ra một cuộc cách mạng nông nghiệp mới.

Thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi thuế Hải quan, thuế xuất mới FTA.

Thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp.

Cần có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel.

Trồng rau sạch theo công nghệ Israel đang tạo cơ hội mới cho nông nghiệp Việt. Nguồn: kinhtedothi.vn.

Cùng với đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa. Khai thác tốt thế mạnh từ các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp, nhất là khai thác tốt thế mạnh từ nguồn lực là Việt kiều.

Cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản.

Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đưa ra đề án “Chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo chuẩn Châu Âu là việc làm rất đúng đắn dù quá chậm.

“Cần tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cho việc vay vốn, thông tin đầu tư, kinh doanh xuất khẩu, bảo vệ thương hiệu nông sản, lập quỹ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tranh thủ marketing quốc tế tìm công nghệ và tìm thị trường xuất khẩu từ Việt kiều.

Đồng thời, tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” cản trở sản xuất kinh doanh nông nghiệp xuất khẩu, không có thang giá trị cục bộ địa phương trong sản xuất, logitics, thương mại, xuất khẩu. Kiên quyết quy hoạch và tiêu thụ xuất khẩu, không để tình trạng giải cứu nông sản tiếp tục diễn ra”, doanh nhân Việt kiều Hồng Shurany khuyến nghị.