Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế

12:21 | 20/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thường trực Chính phủ vừa họp để thảo luận về Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chiều 18/2/2021, Thường trực Chính phủ vừa họp để thảo luận về Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
 
 
Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tóm tắt Đề án. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ “Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế”.
 
Đề án tập trung vào nghiên cứu chức năng quản lý nhà nước (QLNN) đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế có tính chất tổng hợp, liên ngành thuộc nhóm cơ quan hành pháp, bao gồm các chức năng: Định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; Tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; Can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; Thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; Tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
 
Đề án gồm 3 phần: Phần I: Thực trạng đổi mới QLNN trong lĩnh vực kinh tế; Phần II: Mục tiêu, quan điểm và các giải pháp chủ yếu đổi mới toàn diện QLNN trong lĩnh vực kinh tế; và Phần III: Tổ chức thực hiện.
 
Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.
 
Trong đó, các mục tiêu cụ thể gồm: Các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt chất lượng tương đương với các nước ASEAN - 3 (Xinh-ga-po, Thái Lan và Ma-lai-xi-a). Xây dựng Chính phủ số hiện đại, thống nhất, liên thông và hiệu quả. Nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy QLNN, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
 
Mở rộng sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
 
Đề án đã đưa ra 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ phân loại theo các chức năng cơ bản của quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể gồm: Nhóm giải pháp về vai trò định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; vai trò tạo lập khung khổ chính sách, pháp luật; vai trò can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; vai trò quản lý thị trường, thanh kiểm tra và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức, thực thi chính sách, pháp luật.
 
 
Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số vấn đề quan trọng tác động đến yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý một số vấn đề quan trọng tác động đến yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, đó là tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế biến động nhanh, phức tạp, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ, Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
 
Quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí đưa các nội dung của Đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII./.
 
Minh Hoa