Đối ngoại là trụ cột quan trọng phát triển kinh tế địa phương
Hà Nội: 4.300 dự án đầu tư FDI, tổng vốn gần 34 tỷ USD
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá công tác đối ngoại trong đó có công tác đối ngoại kinh tế đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng, giúp Hà Nội phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Trong thời gian qua, công tác đối ngoại kinh tế của thành phố không ngừng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động gặp gỡ, xúc tiến giữa lãnh đạo cấp cao thành phố với các tập đoàn đa quốc gia, công ty lớn trên thế giới; tăng cường giao lưu hợp tác với các thành phố trên thế giới; thúc đẩy, triển khai các hiệp định song phương, đa phương về các lĩnh vực kinh tế...
Năm 2018, tiếp tục đánh dấu những thành tựu của công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã tổ chức, tham gia nhiều diễn đàn quan trọng. Lãnh đạo thành phố đã chủ trì, tổ chức 175 buổi tiếp, làm việc với các tập đoàn, công ty nước ngoài để giới thiệu về các thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, chính sách thu hút đầu tư, đồng thời lắng nghe, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp, khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
“Công tác đối ngoại kinh tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng kinh tế-xã hội của Hà Nội. Theo đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt bước tiến đáng kể, lũy kế đến tháng 7/2018, Hà Nội đã có 4.300 dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký đạt gần 34 tỷ USD; đã thu hút và triển khai 105 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết hơn 4 tỷ USD...”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Đồng thời, ông chia sẻ Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua, 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất của cả nước trong năm 2018. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với ưu thế, tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, đóng góp khoảng 15% tổng số vốn đầu tư xã hội, chiếm khoảng 16,5% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn...
Thành phố tiếp tục hướng trọng tâm vào việc mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với thủ đô, các thành phố, các nước và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế; kết hợp giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế; tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với các nước; thu hút nguồn vốn FDI; tranh thủ viện trợ của các nước, các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế; gia tăng xuất khẩu hàng hóa; mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh của Hà Nội đang trên đà hội nhập và phát triển.
Thái Nguyên: 123 doanh nghiệp FDI, tổng vốn trên 7,2 triệu USD
Dẫn chứng về thành công trong thu hút Tập đoàn Samsung đến đầu tư tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc khẳng định công tác đối ngoại góp phần quan trọng trong đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
“Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, Thái Nguyên có 123 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt trên 7,2 triệu USD với 130 dự án FDI còn hiệu lực, góp phần giải quyết cho hơn 100.000 lao động trong, ngoài tỉnh”, ông Bắc cho biết.
Với kết quả đạt được, Thái Nguyên được xếp hạng trong top 10/63 tỉnh, thành trong cả nước về số vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ và đô thị, vừa phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ môi trường để trở thành một cực tăng trưởng tốt của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh là tăng cường tổ chức các chương trình đối thoại, tổ chức các hội nghị thường kỳ với các doanh nghiệp FDI; định kỳ hằng năm tổ chức gặp mặt người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về quê ăn Tết theo hướng ý nghĩa, thiết thực; giải quyết tốt những vấn đề của các doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư...
Hiện nay, tỉnh nỗ lực xây dựng mối liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương; thực hiện tốt việc đào tạo nghề, giảm các tiêu chí tuyển dụng phù hợp, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; tích cực tuyên truyền, vận động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các doanh nghiệp FDI trong các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh...
TPHCM hợp tác với 50 địa phương nước ngoài
TPHCM là một trong các địa phương tích cực, chủ động trong công tác hội nhập quốc tế. Trong đó, hoạt động hữu nghị, hợp tác cấp địa phương được xem là một hướng phát triển quan trọng, vừa góp phần triển khai đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị của Việt Nam đến các địa phương, các nước trên thế giới, vừa tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết Thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 50 địa phương nước ngoài trên cả năm châu lục. Để quá trình hợp tác quốc tế cấp địa phương này phát huy tối đa hiệu quả, Thành phố luôn xác định rõ ràng các mục tiêu khi thiết lập quan hệ.
Căn cứ trên tổng thể mối quan hệ cấp quốc gia cũng như định hướng phát triển quan hệ của Đảng, Nhà nước với đối tác đó, đồng thời dựa trên nhu cầu phát triển của mình mà thành phố sẽ xác định tập trung phát triển quan hệ hợp tác vì mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, giáo dục, đào tạo hoặc có thể bao gồm tất cả các mục tiêu này.
Ông Lê Thanh Liêm dẫn chứng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa thành phố với các địa phương của nước bạn Lào, Campuchia chủ yếu tập trung ở hoạt động giao lưu chính trị, tăng cường quan hệ hữu nghị qua trao đổi đoàn, ngoại giao nhân dân...
Với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp thì hoạt động hợp tác lại định hướng theo mục tiêu khác là tăng cường quan hệ hữu nghị để cùng hợp tác, tranh thủ vốn và công nghệ của bạn đối với những lĩnh vực trọng tâm phát triển của thành phố. Hiện thành phố đã triển khai các dự án về công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường với Nhật Bản; về quy hoạch đô thị với Pháp; về đào tạo, môi trường, quy hoạch quản lý đô thị, trao đổi công chức với Hàn Quốc.
Chia sẻ về kinh nghiệm kết nối giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Phương Hồng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản cho rằng các địa phương của Việt Nam cần phát huy tối đa những thuận lợi trong đà phát triển tốt nhất từ trước tới nay của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam-Nhật Bản, đồng thời tranh thủ xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của các địa phương sở tại.
Việc kết nối quan hệ địa phương sẽ không thực hiện được nếu chính các địa phương của sở tại không quan tâm và có nhu cầu. Bên cạnh việc trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong, ngoài nước giữa địa phương và các Cơ quan đại diện, cần tận dụng cơ hội để quảng bá về Việt Nam qua các cuộc hội thảo, buổi nói chuyện, bài phát biểu, các hoạt động quốc tế ở sở tại, nhằm thúc đẩy các địa phương sở tại quan tâm tìm hiểu, khảo sát, mong muốn hợp tác với Việt Nam. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của bạn, phải đưa được thông tin, đặc biệt là thế mạnh của các địa phương Việt Nam đến với bạn.
Bà Nguyễn Thị Phương Hồng cho biết đây là nhiệm vụ khá khó khăn do Cơ quan đại diện thường không có đầy đủ thông tin về các địa phương của Việt Nam, chủ yếu chỉ được cung cấp từ các tỉnh có nguyện vọng thăm, kết nối với địa phương tại khu vực. Việc xây dựng được tài liệu thông tin cơ bản về thế mạnh của mỗi địa phương Việt Nam là thực sự cần thiết và hữu hiệu cho các Cơ quan đại diện.
Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa trong và ngoài nước, giữa địa phương và Cơ quan đại diện là yếu tố không thể thiếu. Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, việc địa phương chuẩn bị kỹ tài liệu với nội dung làm việc có hàm lượng và trọng tâm sẽ góp phần quyết định thành công của các cuộc gặp gỡ nói riêng và cả chuyến thăm nói chung./.