Đối thoại ở Alaska kết thúc trong căng thẳng, Mỹ - Trung tiếp tục đối đáp nhau trên truyền thông

17:55 | 20/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cuộc gặp ở Alaska hôm 19/3 kết thúc trong căng thẳng mà không đạt đươc kết quả thực tế nào. Các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ - Trung Quốc nói gì sau cuộc gặp.
"Nhiệt độ đóng băng ở Anchorage, Alaska, cũng không đủ sức hạ nhiệt cuộc "chạm mặt" giữa phái đoàn Mỹ - Trung vừa diễn ra tại đây", tờ South China Morning Post mô tả về kết quả cuộc gặp của các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ - Trung Quốc vừa diễn ra hôm 19/3.
 

"Ăn miếng trả miếng" trên bàn họp


Tờ Mainichi ngày 20/3 đưa tin cuộc họp giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại bang Alaska đã kết thúc mà không cho thấy đột phá lớn trong mối quan hệ căng thẳng song phương.
 
Cuộc họp cấp cao kéo dài hai ngày tại TP Anchorage, bang Alaska với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, các nhà ngoại giao đôi bên có dịp ngồi cùng nhau bên bàn thảo luận.
 
Theo SCMP, cuộc gặp dự kiến bắt đầu bằng bài phát biểu khai mạc dài tối đa hai phút từ mỗi bên và cả đôi bên cũng đã đồng ý khi lên kế hoạch. Nhưng Ngoại trưởng Blinken và cố vấn Sullivan lại nói tới khoảng 10 phút.
 
Mỹ - Trung Quốc nói gì sau cuộc gặp căng thẳng ở Alaska
Ngoại trưởng Blinken. Ảnh: Reuters
 
Ông Blinken nêu các vấn đề Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng Mỹ và có hành động cưỡng ép kinh tế đối với những đồng minh của Washington.
Phái đoàn Trung Quốc không hài lòng với thông điệp mà đối phương đưa ra và đáp trả bằng bài diễn văn mở màn dài gần 20 phút.
 
Bài phát biểu của ông Dương dài đến nỗi tự ông cũng phải đùa rằng đây thực sự là một cuộc kiểm tra dành cho phiên dịch viên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken mỉa mai rằng phiên dịch viên cho đoàn Trung Quốc có lẽ nên được tăng lương.
 
"Tôi cho rằng chúng tôi đã nghĩ quá tốt đẹp về phía Mỹ. Chúng tôi nghĩ phía Mỹ sẽ tuân theo các giao thức ngoại giao cần thiết. Vì thế, về phía Trung Quốc, điều quan trọng là chúng tôi phải làm rõ quan điểm của mình", ông Dương tuyên bố.
 
Lần này đến lượt Blinken tỏ ra hài lòng với bình luận từ phía Trung Quốc rằng Mỹ đã trở lại và đang tiếp tục tham gia vào các công việc của thế giới, song cũng quan ngại sâu sắc. "Mỹ "không hoàn hảo" nhưng trong suốt quá trình lịch sử luôn đối phó với mọi thách thức một cách cởi mở", SCMP nhấn mạnh lời Ngoại trưởng Mỹ.
 
Mỹ - Trung Quốc nói gì sau cuộc gặp căng thẳng ở Alaska
Ông Dương Khiết Trì gọi đối thoại Mỹ - Trung là 'thẳng thắn, xây dựng, có lợi'. Ảnh: AP

Khi hai ông kết thúc bình luận, một lần nữa, phóng viên được yêu cầu ra ngoài nhưng ông Dương lại bảo họ "chờ". Nhà ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ nói chuyện với họ bằng giọng điệu trịch thượng. Ông cho rằng hành động đẩy phóng viên ra khỏi phòng là ví dụ cho thấy Mỹ không hoàn toàn ủng hộ dân chủ.
 
Ngay lập tức, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ đáp lời, cáo buộc phía Trung Quốc "cũng vi phạm các giao thức" và họ chỉ đến cuộc gặp với ý định thể hiện quyền lực và phô trương hình ảnh.
 

Đối đáp trên truyền thông sau cuộc gặp


Trả lời sau cuộc đối thoại, ông Blinken cho biết ông đã đạt được các mục tiêu ban đầu trong cuộc họp, đó là chuyển tải "những mối quan tâm" của Mỹ và các đồng minh về các hành động và hành vi của Trung Quốc, đồng thời đưa ra các chính sách và ưu tiên của Washington.
 
"Chúng tôi chắc chắn biết và lường trước rằng có một số lĩnh vực mà chúng tôi về cơ bản là có mâu thuẫn, bao gồm các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương cũng như sự áp bức tại Hong Kong và sự quyết đoán đối với Đài Loan” - tờ Mainichi dẫn lời ông Blinken nói.
 
Tuy nhiên, ông Blinken lưu ý rằng hai nước đã có "một cuộc đối thoại rất thẳng thắn" trong nhiều giờ, đồng thời lợi ích của hai nước cũng đã "giao nhau" trong các vấn đề như Triều Tiên và biến đổi khí hậu.
 
Về phía Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken rằng: Tôi tự hào về Ngoại trưởng! Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức nước này tham gia sự kiện chỉ trích, các nhà ngoại giao Bắc Kinh đến hội đàm với mục đích "khoa trương và thể hiện" chứ không tập trung vào nội dung chính.
 
Trong khi đó, theo Reuters, ông Dương Khiết Trì hôm 19/3 đã gọi cuộc đối thoại cấp cao với Mỹ tại bang Alaska là “thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi”.

“Nhưng tất nhiên, vẫn có những khác biệt” - đài CGTN, trực thuộc đài truyền hình trung ương Trung Quốc, dẫn lời ông Dương lưu ý.
 
Ông Dương cho rằng “hai nước nên tuân theo chính sách 'không xung đột' để hướng con đường của hai bên theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai".
 
Trong khi đó, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã nhấn mạnh với phía Mỹ rằng “chủ quyền là vấn đề nguyên tắc và không nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”.
 
Từ Bắc Kinh, truyền thông nước này ca ngợi rằng các nhà ngoại giao đã thể hiện được thái độ cứng rắn, thẳng thắn trước Mỹ.
 
Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) có bài viết trong đó bình luận rằng, cuộc tranh luận nảy lửa ngay từ đầu hội đàm phát sinh là do Mỹ đã phát biểu quá giờ quy định, liên tục chỉ trích Trung Quốc vô căn cứ, tìm cách để thể hiện tư thế “trên cơ” trong cuộc đối thoại.
 
Tờ báo này đánh giá, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị đã xử lý tình hình một cách bình tĩnh.
 
 
Hà Ly