Đối thoại với DN để gỡ vướng giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động

17:16 | 24/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nội dung thiết thực được đưa ra tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động” ngày 24/09 tại Hà Nội.

Đối thoại với DN để gỡ vướng giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động - ảnh 1
Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động”. Ảnh: Minh Hoa/DNVN. 
Hội nghị do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nhằm cập nhật, phổ biến quy định pháp luật về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động; tạo không gian trao đổi kiến thức thực tiễn về các tranh chấp lao động, giải quyết tranh chấp lao động và các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Phùng Quang Huy, nguyên Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); GS.TS Nguyễn Đăng Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội c.hủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh: Hội DNTNVN là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của hơn 1000 doanh nhân tư nhân ở khắp mọi miền đất nước.

Đối thoại với DN để gỡ vướng giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động - ảnh 2
GS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Minh Hoa/DNVN. 
“Trong 6 năm qua, Hội DNTNVN đã tổ chức nhiều hoạt động để liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động nâng cao sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Một trong những hoạt động thường xuyên của Hội là tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp và hội viên. Trong chuỗi hoạt động đó, Hội đã hợp tác với Bộ Tư pháp trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp từ năm 2011 đến nay. Hội nghị hôm nay nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ pháp lý giai đoạn 2015-2020”.

Với tham luận mang tính thực tiễn cao của các chuyên gia đến từ Sở Tư pháp, Đại học Kiểm sát, Đại học Kinh tế Quốc dân, VCCI, Hội nghị đã đề cập đến thực trạng, thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động, đặc biệt nhấn mạnh về các biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động hiệu quả và nhanh gọn, nhất là thông qua hòa giải.

Theo đó, trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển như hiện nay, các tranh chấp lao động đặc biệt là tranh chấp lao động trong trường hợp người lao dộng bị sa thải ngày càng tăng về mặt số lượng và trở nên phức tạp về mặt nội dung. Khi có tranh chấp lao động xảy ra, các bên sẽ nhận nhiều hệ lụy phiền toái, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động nếu không được giải quyết kịp thời.

Đối thoại với DN để gỡ vướng giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động - ảnh 3
GS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN chụp ảnh lưu niệm với đại biểu, chuyên gia tham gia Hội nghị. Ảnh: Minh Hoa/DNVN. 
Hiện nay, những quy định của pháp luật về kỷ luật sa thải còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều trường hợp tranh chấp kỷ luật sa thải xảy ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc chưa có đủ cơ sở để áp dụng quy định của pháp luật hoặc do nhận thức nội dung pháp lý của quy định pháp luật, không có sự nhất trí với Ban chấp hành công đoàn, quyết định sa thải ký sai thẩm quyền, kỷ luật sa thải người lao động trong trường hợp cấm như bị ốm, đang tham gia đình công…

Đây chính là những nguyên nhân làm cho việc giải quyết tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động do sa thải người lao động còn hạn chế.

Giải quyết, tranh chấp lao động thực chất là việc tháo gỡ, xóa bỏ những mâu thuẫn, bất đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm duy trì mối quan hệ đã được thiết lập giữa hai chủ thể và làm cho mối quan hệ đó tồn tại trong sự phát triển chung.

Trong các biện pháp giải quyết, thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp đồng thời là nguyên tắc, thủ tục bắt buộc trong giải quyết tranh chấp lao động.

Để phòng ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp lao động, các cơ quan chức năng cũng như bản thân doanh nghiệp cần áp dụng những tiến bộ của công nghệ trong việc tuyên truyền, phổ biến về pháp luật lao động.

Đối thoại với DN để gỡ vướng giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động - ảnh 4
Đặc biệt là khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động sử dụng phần mềm về luật lao động trên các kho ứng dụng của điện thoại thông minh để cập nhật những thông tin, quy định pháp luật mới nhất về lao động. Nhờ đó, họ có thể nâng cao khả năng hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động, thực thi đầy đủ hơn pháp luật lao động.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động khi có tranh chấp xảy ra, đồng thời, khuyến khích các bên sử dụng hòa giải lao động để giải quyết tranh chấp.