Đơn giản hóa quy trình khởi sự kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập tăng kỷ lục
Ngày 19/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018”. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER) tham gia đồng hành cùng chương trình.
Tại diễn đàn, các diễn giả là các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách, chuyên gia khoa học công nghệ, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ, thảo luận về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam, tổ chức sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng dần các sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế kinh doanh.
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, trong thời gian qua, quy trình khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí gia nhập thị trường.
Theo đó, kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể.
Thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng đã được tối giản hóa, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp và tuân thủ theo thông lệ của các nước môi trường kinh doanh tốt, đó là nguyên tắc: Người thành lập doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm; cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp là tối đa 3 ngày làm việc nhưng trên thực tế, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp là 2,36 ngày làm việc; trong đó có trên 40 tỉnh thực hiện dưới 2 ngày. Theo dữ liệu tại Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, xét về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong khu vực Đông Nam Á, nước ta chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày).
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn. Theo thống kê, tính đến ngày 30/5/2018, tỉ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước đạt 58,44% (năm 2017 đạt 45,8%), riêng thành phố Hà Nội đạt 99,66% và thành phố Hồ Chí Minh đạt 62,18%; vượt xa các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP. Đồng thời, kể từ ngày 20/01/2018, lệ phí đăng ký doanh nghiệp đã được giảm 50% so với quy định trước đây (từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng) và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử.
Nhờ đó, trong các năm 2016, 2017, tình hình doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 doanh nghiệp mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016; trong khi đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.
Bà Minh cho biết thêm, tỉ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong các năm 2016, 2017 lần lượt là 47,4% và 53,5%. So sánh với dữ liệu của một số quốc gia khác trên thế giới cho thấy tỉ lệ trên của Việt Nam nằm trong giới hạn thông thường.
Tuy nhiên, bà Minh cũng cho biết, việc triển khai công tác đăng ký kinh doanh vẫn đang gặp phải một số khó khăn như: Khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh còn một số hạn chế dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đăng ký kinh doanh như quy định quản lý liên quan đến việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa được hoàn thiện, nhiều nghiệp vụ mới phát sinh chưa được quy định trong các văn bản pháp luật; Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chưa đảm bảo sự vận hành an toàn và ổn định; Khung khổ pháp lý về hậu kiểm chưa được hoàn thiện, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả và việc thanh tra, kiểm tra tại các địa phương còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập chưa cao, còn nhiều điểm hạn chế cần được khắc phục; khối lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng nhanh (năm 2017, khối lượng hồ sơ tăng 25% so với năm 2016 và tăng gấp 3 lần so với năm 2014) trong khi lực lượng cán bộ đăng ký kinh doanh tại các địa phương gần như không có thay đổi đã tạo áp lực công việc lớn cho các Phòng Đăng ký kinh doanh.
Để giải quyết những khó khăn này, bà Minh kiến nghị, trong năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả để đốc thúc các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết: số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, việc phát triển và hoàn thiện Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cần được chú trọng hơn nữa, cần có một cơ chế đặc thù để duy trì nguồn lực ổn định, phục vụ cho việc vận hành và phát triển Hệ thống.
Hiện nay, việc bố trí nguồn lực hậu kiểm tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ phục vụ cho công tác hậu kiểm còn rất “mỏng”, chủ yếu là thực hiện kiêm nhiệm với các nhiệm vụ khác; đồng thời, nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về quy định pháp lý cũng như trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Do vậy, bà Minh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các địa phương bổ sung nguồn lực cho hoạt động hậu kiểm, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.