Đơn hàng quay trở lại, doanh thu 9 tháng TNG đạt hơn 2.100 tỷ đồng

Trang Mai 14:33 | 02/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trên nhận định số đơn hàng đã có sự phục hồi, doanh thu tháng 9 của TNG đã tăng 8% so với cùng kỳ. Qua đó doanh thu 9 tháng đã hoàn thành 80% kế hoạch năm.

Doanh thu 9 tháng tăng nhẹ 3%

Ước tính kết quả kinh doanh tháng 9 vừa công bố, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) ghi nhận doanh thu tiêu thụ 599 tỷ đồng, giảm 17% so với tháng 8 nhưng tăng 8% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu TNG đạt 5.437 tỷ đồng, tăng 177 tỷ đồng (tăng 3%) so với cùng kỳ và thực hiện được 80% kế hoạch năm. Dệt may TNG hiện chưa công bố chi tiết cơ cấu doanh thu và thị trường tháng 9/2023.

 Sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 9 của TNG. Ảnh: TNG

Tiến độ đơn đặt hàng cuối năm khá chậm

Trong khi các đơn đặt hàng dự kiến sẽ phục hồi trong quý IV, Tập đoàn Dệt May (Vinatex) cho rằng sự phục hồi sẽ chậm do chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi. Trong báo cáo ngành dệt may cuối tháng 8, Chứng khoán SSI Research ước tính giá bán bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp (thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022) và chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ đối với đơn hàng FOB. 

 Nguồn: Tổng cục Hải quan, SSI Research

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019. Hơn nữa, Vinatex dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024. 

Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III sẽ vẫn tương đương mức quý II và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ của quý IV, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện. Hầu hết các công ty đều đã ghi mức nền kết quả kinh doanh thấp trong quý IV/2022, do đó, SSI Research kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý IV. Thống kê trong quá khứ, khi lượng hàng tồn kho quần áo ở Mỹ đạt đỉnh điểm vào tháng 1/2007, thị trường phải mất hai năm để hấp thụ với lượng hàng tồn kho sau đó mới phục hồi trở lại vào tháng 12/2009.

 

Mới đây, Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết tiến độ đặt đơn hàng mới từ các đối tác của TNG diễn ra tương đối chậm so với năm 2022. Tới tháng 8, doanh nghiệp mới nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho quý IV. Trước đó, tới tháng 7/2022, Công ty này đã nhận đủ đơn hàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.

Đối với thị trường EU, FPTS dự báo doanh thu xuất khẩu 2023 của Dệt may TNG sang khu vực này sẽ giảm 9% so với cùng kỳ, chủ yếu do sụt giảm đơn hàng của khách hàng lớn Decathlon (chiếm 90% doanh thu của hãng này tại EU). Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp bằng đơn hàng từ các thị trường khác. Đồng thời, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ được nhận định sẽ đi ngang so với năm 2022 nhờ các đơn hàng nhỏ.

FPTS dự phóng TNG sẽ thực hiện được 99% kế hoạch doanh thu năm nay, tương ứng mức 6.728 tỷ đồng (tương đương mức thực hiện năm 2022).

Gần đây, HĐQT TNG thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền. Với tỷ lệ thực hiện 4% (400 đồng/cp). Với hơn 113,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty dự tính chi hơn 45,4 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/10 và ngày thanh toán dự kiến vào 20/10.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông TNG đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 tối thiểu ở mức 16%, gồm 8% tiền mặt và 8% cổ phiếu. Bên cạnh trả bằng cổ phiếu, dự kiến Công ty còn dự kiến thêm một đợt chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 4%.