BVSC: Lợi nhuận TNG có thể giảm 1/5 do chiến lược giảm giá bán để duy trì đơn hàng

Thùy Dương 14:50 | 09/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, ngành dệt may bước vào giai đoạn khó khăn do nhu cầu từ thị trường nước ngoài suy giảm khi gặp lạm phát. Trong bối cảnh đó, với lợi thế về khả năng duy trì đơn hàng từ đối tác chiến lược, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) là 1 trong số ít các doanh nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng đều đến nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 đã công bố, kết quả kinh doanh trong quý của TNG khả quan hơn mặt bằng chung toàn ngành. Công ty ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 1.335 tỷ đồng và 44 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6% và 14% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái. 

Trong báo cáo tháng 6 về TNG, CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá đây là doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi trong ngành dệt may ghi nhận tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận quý I.

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của 1 số doanh nghiệp dệt may niêm yết. Nguồn: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp. 

Nhóm phân tích cho rằng công ty đã chủ động nhận các đơn hàng ở đơn giá thấp nhằm duy trì nguồn cung, đảm bảo việc làm giữ chân lao động và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác bền vững với khách hàng lớn như Decathlon và The Children Place cũng giúp TNG giữ được lượng đơn đặt hàng ổn định trong quý. Trong năm qua, 2 khách hàng trên đã chiếm 44% tổng doanh thu mảng may của TNG.

Tiếp nối đà tăng, báo cáo về tình hình hoạt động 5 tháng đầu năm của TNG cũng cho thấy lũy kế 5 tháng, doanh thu công ty đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 159 tỷ đồng tương đương mức tăng 6,5% cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu xuất khẩu vẫn giữ vai trò chủ đạo khi chiếm tới 98% tổng doanh thu. Trong đó, Mỹ và Pháp là 2 thị trường lớn nhất, lần lượt chiếm 47% và 16% thị phần.

 Cơ cấu doanh thu tiêu thụ. Ảnh: TNG

Tính riêng tháng 5, doanh thu tiêu thụ của TNG ước đạt 668 tỷ đồng, tức tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng dương.

Doanh thu tiêu thụ tháng 5/2023 của TNG (Đơn vị: Tỷ đồng). Ảnh: TNG

Theo BVSC, trong thời điểm khó khăn, TNG đã phát huy lợi thế của việc duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng chiến lược. Cụ thể, Decathlon (DCL) bắt đầu là khách hàng của TNG từ năm 2015, và hiện là khách hàng lớn nhất đồng thời là đối tác chiến lược của công ty, chiếm 23% cơ cấu doanh thu mảng may năm 2022.

Sản phẩm TNG sản xuất cho DCL gồm áo jacket, quần áo và dụng cụ thể thao (bơi, leo núi, v.v.). Ngoài ra, TNG cũng bán bông thừa từ nhà máy Bông phụ trợ cho nhà máy DCL tại Ấn Độ, tuy nhiên doanh thu này không đáng kể. Hiện nhà máy Sông Công 1-4 và một phần của nhà máy Phú Bình 1 (khoảng 135 chuyền may) chủ yếu được sử dụng làm đơn hàng cho DCL. Theo công ty, tình hình tồn kho của DCL vẫn ở mức cao, vì vậy có một số mã hàng DCL giao trễ hàng từ quý I/2023 sang quý II/2023.

DCL có chiến lược tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Quốc trong giai đoạn ngắn và trung hạn. DCL bắt đầu đặt chân vào thị trường Trung Quốc vào năm 1989, và tới năm 2020, khoảng 313 cửa hàng DCL đã được mở tại Trung Quốc, chỉ ít hơn 15 cửa hàng so với thị trường mẹ là Pháp. Giá bán thấp nhưng không hy sinh chất lượng, chiến lược mở rộng nhanh chóng và truyền thông qua cả kênh truyền thống và hiện đại là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của DCL tại thị trường Trung Quốc. 
 
 

Về triển vọng năm nay, BVSC dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng của TNG lần lượt đạt 6.886 tỷ đồng và 233 tỷ đồng, tương ứng mức tăng nhẹ khoảng 2% và giảm 21% so với năm trước. Theo đó, lợi nhuận sụt giảm sẽ đến từ 2 yếu tố. Đầu tiên, doanh nghiệp chủ động giảm giá bán để duy trì đơn hàng. Tiếp theo, các chuyên gia nhận thấy gánh nặng lãi vay lớn do TNG vẫn duy trì phương thức thanh toán (D/A) ở mức cao.

Theo nhóm phân tích, chi phí lãi vay dự phóng tăng 66% svck năm trước do TNG tiếp tục duy trì D/A ở mức 51%. Trong 5 năm gần đây, công ty dựa vào nguồn vay nợ dài hạn để nhanh chóng mở rộng chuyền may, vì vậy trong bối cảnh đơn hàng có thể sụt giảm những quý tới, gánh nặng lãi vay có thể mang tới khó khăn về dòng tiền.

 

Trước đây, trong giai đoạn 2017 - 2022, doanh thu và lợi nhuận của TNG tăng trưởng khả quan chủ yếu đến từ mảng may (chiếm 99% tổng doanh thu) tăng trưởng nhanh nhờ mở rộng dây chuyền may. Ngoài ra, công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu mảng bất động sản từ năm 2019, tuy nhiên mảng may mặc vẫn sẽ là mảng hoạt động cốt lõi trong dài hạn.

 Nguồn: BVSC tổng hợp số liệu từ TNG.