Donald Trump có thể trở thành Tổng thống thứ 4 trong lịch sử từ chối lễ nhậm chức người kế nhiệm

21:03 | 21/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những cáo buộc gian lận của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua đã đặt ra câu hỏi liệu ông có dự lễ nhậm chức của Biden vào ngày 20/1/2021 hay không?
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 gây xáo trộn toàn thế giới và nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bối cảnh này khiến cho cuộc đua vào Nhà trắng năm nay trở nên vô cùng khó lường, Bên cạnh đó, những cáo buộc về khả năng gian lận bỏ phiếu quy mô lớn cũng đã được phía đương kim Tổng thống Donald Trump nêu ra. Điều này khiến giới chuyên gia càng lo ngại về những tranh cãi về kết quả bầu cử năm nay và không loại trừ khả năng kết quả chính thức chưa có được ngay.
 
Donald Trump có thể trở thành Tổng thống thứ 4 trong lịch sử từ chối lễ nhậm chức người kế nhiệm - ảnh 1
 
Nước Mỹ đã ghi nhận 3 đời Tổng thổng không tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm là: John Quincy Adams, Andrew Johnson và John Adams. Rất có thể Donald Trump sẽ là người thứ 4 trong lịch sử làm điều này. 
 
Năm 1800, Tổng thống John Adams của đảng Liên bang tái tranh cử nhưng đối thủ là Phó tổng thống của chính ông, Thomas Jefferson từ đảng Dân chủ - Cộng hòa. Vào thời điểm đó, quy trình bầu cử khác xa so với ngày nay. Mỗi cử tri bỏ phiếu cho hai ứng viên, người nào nhiều phiếu nhất trở thành tổng thống, người đứng thứ hai làm phó tổng thống.
 
Theo kế hoạch, đại biểu đảng Cộng hòa - Dân chủ sẽ bỏ phiếu để Jefferson thắng còn Aaron Burr làm phó tổng thống. Nhưng một sự hiểu nhầm trong nội bộ đã khiến cuộc bỏ phiếu cho kết quả hòa, cả Jefferson và Aaron đều giành được 73 phiếu.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc bầu cử tiếp diễn ở Hạ viện. Sau 7 ngày bỏ phiếu căng thẳng, ông Jefferson vượt lên giành chiến thắng. Sự kiện này là tiền đề cho Tu chính án số 12 trong Hiến pháp Mỹ ra đời, với quy định bầu tổng thống và phó tổng thống riêng rẽ.
 
Adams đã quyết định không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, rời thủ đô Washington lúc 4 giờ sáng 4/3/1801. Một số học giả cho rằng Adams làm vậy vì muốn hạ nhiệt căng thẳng chính trị ở thủ đô.
 
Trước khi cuộc bầu cử năm 1828 bắt đầu, Quincy Adams bị tố cáo đã môi giới để "cống nạp" một cô gái Mỹ cho Nga hoàng. Vợ của Jackson là bà Rachel, bị tố là "ngoại tình" bởi bà đã cưới Jackson từ nhiều năm trước khi chính thức ly hôn với chồng cũ. Rachel chết trước khi Jacson thắng cử, nhưng trước lễ nhậm chức, tại đám tang của vợ, Jackson phỉ nhổ những lời tố cáo của đối thủ về "chế độ lưỡng phu". "Chúa toàn năng tha thứ cho những kẻ giết hại nàng, bởi ta biết nàng cũng tha thứ cho chúng", Jackson nói. "Ta thì không bao giờ".
 
Như để tạo kết thúc hoàn hảo cho một cuộc bầu cử quá sóng gió, lễ nhậm chức của Jackson được mở cửa cho công chúng, và biến thành một cảnh tượng kinh khủng của sự hỗn loạn. Hàng nghìn người tập trung xô vào Nhà Trắng.
 
Quincy Adams rời Nhà Trắng vào tối 3/3/1829, một ngày trước lễ nhậm chức của Jackson. Giống như cha mình, ông đã cố ý không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
 
Phó Tổng thống Andrew Johnson thuộc đảng Dân chủ lên nắm quyền sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát năm 1865. Ông có nhiều động thái cản trở nguyện vọng của các nghị sĩ Cộng hòa, phe chiếm đa số tại quốc hội. Mặc dù khá được lòng dư luận, ông không giành được đề cử của đảng Dân chủ năm 1868 và thậm chí còn bị Hạ viện xem xét bãi nhiệm vì quyết định sa thải bộ trưởng chiến tranh gây tranh cãi.
 
Tháng 11/1868, tướng Ulysses S. Grant, đối thủ "không đội trời chung" của Johnson, đắc cử tổng thống. Johnson từ chối tham dự lễ nhậm chức của Grant. Thay vào đó, ông ở Nhà Trắng để ký luật. Tương tự, Grant cũng bác bỏ ý tưởng đi cùng xe với Johnson.
 
Khánh Trang