Đóng điện trạm biến áp 220kV Duy Xuyên, Quảng Nam
Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B, với tổng mức đầu tư 298,5 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 tư vấn thiết kế, liên danh Công ty CP Alphanam E&C và Công ty CP đầu tư xây dựng Việt Trung thi công xây lắp trạm biến áp, Công ty Truyền tải điện 2 tiếp nhận vận hành.
Công trình được xây dựng tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Công trình có quy mô chính gồm: Xây dựng TBA 220kV Duy Xuyên được thiết kế với 3 cấp điện áp 220kV, 110kV và 22kV; Quy mô công suất hoàn chỉnh là (1x125+1x250) MVA. Giai đoạn này lắp đặt 01 máy biến áp 125 MVA, có dự phòng đất để xây dựng mới 01 máy biến áp 250MVA cho giai đoạn sau. Phần đường dây 220kV đấu nối có chiều dài tuyến khoảng 1,25 km được xây dựng với quy mô 04 mạch và 02 mạch đi trên địa phận xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Công trình được khởi công tháng 9/2020, đúng thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, sau đó giá nguyên, nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao nhưng đến nay dự án hoàn thành đóng điện cho thấy sự nỗ lực rất lớn của CPMB và các đơn vị thi công trên công trường. Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho tỉnh Quảng Nam (đặc biệt khu vực Bắc Quảng Nam cho 3 TBA 110kV của Công ty điện lực Quảng Nam/EVNCPC) và vùng phụ cận; Thu gom nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải lên lưới điện quốc gia; Giảm tổn thất công suất cực đại lưới điện khu vực và nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110kV khu vực; Sẵn sàng đấu nối Đường dây 220kV Thạnh Mỹ - Duy Xuyên để phục vụ giải tỏa 600MW Nhà máy điện gió Monsoon nhập khẩu từ Lào, nâng cao khả năng vận hành và chống quá tải cho Đường dây 220kV Thạnh Mỹ - Hòa Khánh.
Việc hoàn thành công trình là hành động thiết thực của CPMB chào mừng 68 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954- 21/12/2022). Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số công tác đầu tư xây dựng các công trình điện trong EVN/EVNNPT, CPMB đã mạnh dạn thực hiện “ÁP DỤNG MÔ HÌNH THÔNG TIN CÔNG TRÌNH (BIM)” trong hoạt động xây dựng dự án. Đây là công trình điện đầu tiến áp dụng BIM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và là công trình thứ 2 mà CPMB áp dụng. BIM là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình”. Thông qua việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình (Tiết kiệm chi phí xây dựng, Giảm thời gian thi công xây dựng, Giảm thời gian thiết kế và điều chỉnh thiết kế, Giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế).
Hoàn thành triển khai BIM không chỉ khẳng định năng lực của đội ngũ kỹ sư điện Việt Nam mà còn góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số của CPMB được Tập đoàn diện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia giao.