Động thái của Big C làm ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người tiêu dùng
22:50 | 04/07/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mặc dù chuỗi siêu thị Big C lý giải rằng việc tạm dừng nhập các mặt hàng dệt may của doanh nghiệp trong nước là để xây dựng chiến lược mới, nhưngth eo các chuyên gia thì hành động này đã gây nhiều đảo lộn trong các doanh nghiệp sản xuất dệt may.
Mới đây Tập đoàn Central Group của Thái Lan (sở hữu chuỗi siêu thị Big C) vừa có thư gửi các đối tác tại Việt Nam thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam từ tháng 7/2019. Việc tạm ngừng đặt hàng nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược phát triển của Central tại Thái Lan.
Nhìn nhận về vấn đền này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng cho rằng, động thái này của Big C có thể làm ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Bởi hàng may mặc Việt Nam vốn được người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Những năm gần đây hàng may mặc Việt Nam được cải tiến về mẫu mã, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Siêu thị Big C từ chối tiếp nhận hàng may mặc mà không có lý do cụ thể, thuyết phục.
Bên cạnh đó, theo chủ trương của Chính phủ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà một siêu thị kinh doanh tổng hợp tự nhiên ngừng tiếp nhận hàng may mặc của Việt Nam thì cần phải đặt câu hỏi bởi hiện Big C đang kinh doanh trên đất nước Việt Nam và được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách Việt Nam. Việc họ từ chối nhập hàng may mặc Việt Nam liệu có vi phạm vào Luật Cạnh tranh không? Do đó, cần đối chiếu vào quy định của luật pháp Việt Nam để chỉ ra những sai phạm nếu có.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, những doanh nghiệp lâu nay cung cấp hàng may mặc cho siêu thị mà giờ bị siêu thị từ chối chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp mà lâu nay cung cấp mặt hàng cho Big C. Ngừng phải có lý do chính đáng như bên cung cấp vi phạm hợp đồng thì có thể tạm thời ngừng để xem xét, 2 bên thảo luận để đi đến tiếng nói chung. Còn nếu không có lý do nào mà đơn phương ngừng thì về mặt hợp đồng kinh tế là đã vi phạm. Bên cung ứng hoàn toàn có quyền đưa việc này ra giải quyết trên cơ sở trọng tài.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc bán hàng của các nước khác ở Việt Nam không phải do chủ quan của họ mà người tiêu dùng sẽ là người quyết định. Nếu như hàng hóa có chất lượng thấp, giá cả cao không phù hợp với người Việt Nam chắc chắn sẽ không được chấp nhận.
Đã đến lúc cơ quan chức năng nên rà soát lại các cơ sở pháp lý nhất là các điều kiện xung quanh vấn đề mua bán, chuyển sở hữu cho nước ngoài, những hệ thống phân phối có uy tín, chiếm tỷ trọng phần lớn trên thị trường theo hướng đảm bảo kinh doanh ổn định, không có sự phân biệt đối xử, đặc biệt là không sử dụng biện pháp hành chính, biện pháp phân biệt đối xử để loại hàng nội địa ra. Đây được coi như một trong những điều kiện chủ chốt để đồng ý cho những hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Chúng ta ghi nhận những nỗ lực của ngành dệt may và các ngành sản phẩm khác của Việt Nam khi chất lượng tốt hơn, đáp ứng được thị hiếu thay đổi rất nhanh của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hoạt động của DN Việt đang còn yếu ở khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá chất lượng và hệ thống phân phối. Ví dụ như quần Âu của Việt Tiến không thua kém nước ngoài thậm chí còn đẹp hơn nhưng khâu quảng cáo còn yếu khiến khách hàng chưa biết tới và không biết mua ở đâu, với quy trình sản xuất như thế nào.
Trong khi đó, nước ngoài rất coi trọng quảng cáo cả quy trình sản xuất, đặc biệt là quy trình mang tính chất công nghiệp hiện đại, sạch, đã tạo những thông tin có lợi cho việc tiêu thụ. Đây là một trong những yêu cầu để xuất khẩu sang nước khác, cũng như để người tiêu dùng có sự lựa chọn tốt hơn. Do đó, trong thời gian tới, ông Phong cho rằng, các doanh nghiệp nên quan tâm hơn vấn đề xây dựng thương hiệu, quảng cáo chất lượng của mình.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, ngay sáng 4/7, Bộ Công thương đã làm việc với Tổng giám đốc tập đoàn Central Group (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC) và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Thái Lan. Bộ cũng đánh giá cao Central Group đã tạo công việc cho 17.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp, đóng góp vào ngân sách năm 2018 là 1000 tỷ VND.
Ông Hải cho biết thêm, việc giải quyết của Big C với 200 nhà cung cấp cần phải trên cơ sở hợp đồng đã ký và phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Đồng thời phải đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Hiện Big C cam kết ngay trong ngày hôm nay mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp của Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C tiếp tục có làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt. Và trong thời gian này sẽ có khoảng 150 nhà cung cấp tiếp tục cung cấp đơn hàng. Họ sẽ làm kỹ hơn về việc nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được quy định hợp đồng đã ký.